Trẻ con Việt Nam ở 3 thập niên 70 - 80 - 90 chắc sẽ khó quên chương trình truyền hình “Những bông hoa nhỏ” vào lúc 19 giờ mỗi tối với những bộ phim hoạt hình Việt Nam, những câu chuyện cổ tích có những nhân vật ngộ nghĩnh, dễ thương.
Đó là những kỷ niệm khó quên của những thế hệ 7X, 8X, 9X, là thời vàng son của phim hoạt hình Việt Nam, bởi hầu hết các bộ phim xuất xưởng từ các hãng phim hoạt hình đều được giới thiệu ở đây. Đó cũng là thời của những bộ phim nổi tiếng Mai Ca, cô bé từ trên trời rơi xuống, Tây du ký, Tiểu long nhân được chiếu đi chiếu lại đến nỗi trẻ con thuộc lòng cả lời thoại... Phim thiếu nhi Việt Nam lúc đó thực sự quá nghèo nàn, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay như Đất phương Nam, Tuổi thơ dữ dội, Mệnh lệnh hoa hồng.
Hãng phim Phương Nam đã kịp thời góp thêm chùm phim cổ tích Việt Nam với Ăn khế trả vàng, Ai mua hành tôi, Cây tre trăm đốt, Tấm Cám, mỗi năm chỉ cho xuất xưởng 1 tập và được các em chờ đón, ủng hộ nhiệt tình, có bé xem đi xem lại đến cả chục lần mà không thấy chán. Cũng từ đó, đạo diễn Nguyễn Minh Chung đã trở nên vô cùng thân thiết với các em từ những câu chuyện cổ thần tiên và vui nhộn này…
Nhắc lại chuyện xưa để cho thấy bây giờ, sau mấy mươi năm, đời sống tinh thần của trẻ con Việt Nam đã dần chuyển sang hướng khác. Chương trình “Những bông hoa nhỏ” đã lui về dĩ vãng, trẻ con Việt bây giờ hoàn toàn xa lạ với phim hoạt hình Việt Nam, và món ăn tinh thần của trẻ nhỏ chỉ còn gói trọn trong hai kênh truyền hình Disney và Bibi. Mỗi năm ngân sách nhà nước tài trợ cho hãng phim hoạt hình Việt Nam đủ để làm 90 phút phim, mỗi phim 10 phút. Nhưng phim làm ra chỉ để dự liên hoan phim và giải Cánh diều là chính, còn được trình chiếu rộng rãi trên sóng truyền hình như trước chỉ còn là giấc mơ của các đạo diễn.
Hãng phim hoạt hình đã tìm mọi cách để đưa phim mình ra thị trường bằng cách kết hợp với Công ty Phương Nam in đĩa hay chiếu phim ngay tại rạp của hãng mình. Nhưng 90 phút ấy chỉ có thể trình làng trong 1 tháng là hết cửa. Vì thế, Trung tâm Chiếu phim quốc gia khi chiếu phim phục vụ thiếu nhi vào những ngày hè với giá vé ưu đãi từ 30.000 - 40.000 đồng, nhưng với một danh sách phim hoàn toàn của nước ngoài: Xì-trum, Kungfu Panda 2, Alvin 3, Mèo đi hia, Thần Lorax, Nhóc Nhicolas. Người ta tự hỏi vì sao nhà nước đã bỏ ra 7 tỷ đồng để thực hiện bộ phim 3D Người con của rồng (Phạm Minh Trí thực hiện), nhưng nó chỉ được chiếu một lần trên sóng truyền hình trong dịp lễ 1.000 năm Thăng Long rồi mất hút.
Thực ra, những người tâm huyết với phim hoạt hình Việt Nam không phải hiếm, có những tài năng thực sự, đó là Đoàn Trọng Hải và nhóm làm phim của True-D với bộ phim 3D Cô bé bán diêm, là Vũ Đức Trọng và nhóm làm phim của Bamboo Amination với bộ phim 3D Chiếc cầu xoay, là Đoàn Trần Anh Tuấn và nhóm làm phim của Colory Amination với bộ phim 3D Dưới bóng cây. Đây là những bộ phim thực hiện chỉ 7 phút nhưng khá tinh xảo và linh hoạt không hề kém phim nước ngoài.
Xem phim để thấy tâm huyết của những người làm phim trẻ, họ tự bỏ tiền làm phim để chứng tỏ tài năng làm 3D của người Việt Nam không thua kém ai và đưa lên mạng để cả nước thưởng thức. Những bộ phim ấy đã gây xôn xao trong cư dân mạng, rất nhiều bạn trẻ đã xem và bình luận với niềm tự hào và hy vọng về tương lai phim hoạt hình Việt Nam. Chỉ tiếc rằng, chuyện này chỉ dừng lại ở đó, bởi tâm huyết và tài năng chỉ có thể làm phim 7 phút, mà điện ảnh muốn làm nên chuyện thì phải có kinh phí, phải có đủ máy móc kỹ thuật...
Với những bộ phim thể nghiệm ấy, ai xem xong cũng có suy nghĩ: Nếu nhà nước có chính sách thoáng hơn, không phải chỉ đặt hàng ở các đơn vị nhà nước mà đặt niềm tin vào những người trẻ, vào các đơn vị tư nhân thì phim hoạt hình Việt Nam chắc hẳn sẽ không ì ạch mãi thế này…
NGÔ NGỌC NGŨ LONG