Hơn 10 năm từ khi triển khai đề án xã hội hóa thể thao do Chính phủ phê duyệt, đến nay, theo đánh giá từ chính những nhà quản lý thì tiến trình này vẫn rất chậm chạp. Chỉ có một vài môn thật sự chuyển biến, số còn lại được mô tả đang trong hình thái: là “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý nhà nước hoặc chỉ tạo thêm sự chồng chéo giữa nhà nước và các tổ chức xã hội.
Với cái nhìn khách quan thì cho đến nay, cũng chỉ mới môn bóng đá là xã hội hóa cơ bản đến 80%, nhưng cũng vẫn chưa thật sự đi đúng tiến trình. Ví dụ như hoạt động của các đội tuyển quốc gia vẫn còn phải nhận một phần ngân sách nhà nước trong việc trả lương HLV, chế độ tập huấn. Trong 5 năm trở lại đây, dù nhận hàng chục tỷ đồng từ các nhà tài trợ nhưng các đội tuyển lại ít dự đấu quốc tế.
Hệ thống đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam ngày càng kém hơn khi các trung tâm mạnh không vận động được nguồn kinh phí, còn các CLB chuyên nghiệp chăm chăm làm thương hiệu, thiếu đầu tư chuyên sâu khiến cho gánh nặng đào tạo phần nào đó quay về với ngân sách nhà nước.
10 năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp thì hiện nay, tại giải hạng nhất vẫn còn 3/4 đội bóng được địa phương hỗ trợ tài chính.
Bóng đá đã thế thì các môn khác chậm chạp là chuyện đương nhiên. Hiện mới chỉ có bóng chuyền đang theo chân bóng đá, những môn từng một thời phát triển rầm rộ như cầu lông, xe đạp, bơi lội… hiện có dấu hiệu kiệt sức trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động.
Đối với mảng phong trào, cũng chỉ có bóng đá phát triển xã hội hóa với việc các sân cỏ nhân tạo mọc lên như nấm sau mưa. Trong khi đó, diện tích sân tập cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn thu hẹp dần, chỉ còn tồn tại ở những cơ sở vật chất của nhà nước, thiếu hẳn các CLB thể thao tư nhân.
Sự thất bại trong hoạt động kinh doanh của Trung tâm Thành Long chỉ là hiện tượng tiêu biểu bởi một loạt trung tâm tư nhân khác cũng đã “chết yểu” hoặc tồn tại cầm chừng. Tại TPHCM, ngay ở các huyện ngoại thành vốn có nhiều quỹ đất thì cũng chưa phát triển thêm sân chơi khác ngoài sân cỏ nhân tạo.
Ở cấp độ quản lý, tiến trình xã hội hóa cũng gặp trục trặc khi những hiệp hội, liên đoàn từ quốc gia đến địa phương hoạt động thiếu hiệu quả. Dần dần cũng vẫn quay trở lại mô hình “người nhà nước quản lý tổ chức xã hội”. Các VĐV của Việt Nam hiện đang thi đấu chuyên nghiệp ở trình độ quốc tế (ngoài bóng đá) cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay dù cách đây 5 năm, phong trào xã hội hóa, thành lập các liên đoàn thể thao phát triển rầm rộ.
Nghị định về xã hội hóa thể thao ra đời đã 11 năm, Luật Thể dục thể thao cũng được ban hành, đề án xã hội hóa thể thao cũng đã được đệ trình nhưng thực tế thì bước đi của thể thao Việt Nam vẫn còn ì ạch! Theo đề án mới nhất, từ nay đến năm 2015, phần quản lý nhà nước về thể thao sẽ chuyển giao hết cho các tổ chức xã hội, thế nhưng, lấy ví dụ ngay tại TPHCM, dường như đang có sự chuyển giao ngược lại khi mà các liên đoàn hầu như bất lực trong hoạt động.
Bất kỳ sự chuyển dịch cơ chế quản lý nào cũng cần có thời gian, tuy nhiên dù khởi đầu khá sớm nhưng quá trình xã hội hóa thể thao lại đang đứng trước nguy cơ đi chậm nhất so với nhiều lĩnh vực khác vì sự thụ động của những người trong cuộc.
THÚY OANH