Việc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam trả đội bóng đá Hải Phòng về cho địa phương khiến cho số đội bóng thuộc quyền sở hữu của các doanh nghiệp tại giải chuyên nghiệp Việt Nam hiện chỉ còn 7/13 đội tham gia mùa bóng 2014. Đây là lần thứ 7 trong 11 năm qua, bóng đá Hải Phòng phải đổi tên do sự rút lui của nhà tài trợ. Tất nhiên là đội bóng không bị giải tán sau khi thành phố Hải Phòng thành lập công ty bóng đá để tiếp nhận, nhưng ai cũng biết, nguồn tài chính “nuôi” CLB chủ yếu đến từ ngân sách sự nghiệp. Đấy là một bước lùi của tiến trình xã hội hóa, bởi tiền từ ngân sách không thể đủ cho hoạt động thể thao chuyên nghiệp.
Mới đây, đội bóng Bình Định buộc phải rút lui khỏi giải hạng nhất chỉ vì địa phương không đồng ý chi 12 tỷ đồng để duy trì, trong bối cảnh các nguồn tài trợ bên ngoài quá ít. Trước đó, đội Kiên Giang buộc phải giải tán sau khi Ngân hàng Kiên Long chấm dứt hợp đồng tài trợ.
Bóng đá là môn thể thao vẫn được xem là xã hội hóa thuận lợi nhất mà còn như vậy, nói gì đến các môn ít thu hút sự quan tâm khác. Trong 29 môn mà thể thao Việt Nam cử đi SEA Games 27, thì hết 2/3 phải luyện tập bằng ngân sách dù trên lý thuyết, hầu hết các môn đều trực thuộc sự quản lý của các liên đoàn. Cũng trong năm 2013, chỉ có 5/29 môn này tự thân tổ chức được các giải thi đấu quốc tế để cọ xát, rèn luyện cho VĐV, số còn lại phải tằn tiện chi phí từ ngân sách được cấp để du đấu nước ngoài.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, chưa bao giờ mà thể thao lại lệ thuộc lớn vào ngân sách chung nhiều như vậy. Đây chính là nguyên nhân nảy sinh những vụ lộn xộn trong quá trình hình thành các đội tuyển quốc gia ở môn bóng bàn, quần vợt, bóng chuyền… do vai trò cùa các liên đoàn thể thao ngày càng mờ nhạt, không còn tiếng nói quyết định trong việc tuyển chọn VĐV.
Kinh tế khó khăn, các nguồn tài trợ ít dần chỉ là một nguyên nhân, quan trọng hơn cả là cái bắt tay giữa đơn vị quản lý nhà nước và các doanh nghiệp ngoài xã hội vô cùng lỏng lẻo, chủ yếu đến từ cơ chế hoạt động không đủ để khuyến khích các nguồn lực xã hội tích cực tham gia vào hoạt động xã hội hóa. Các doanh nghiệp hầu như không tìm thấy lợi ích khi tham gia thể thao.
Hai năm trước, tập đoàn dầu khí quốc gia còn thành lập cả một công ty riêng để đầu tư cho thể thao, nhưng giữa năm nay, công ty này đã giải tán vì không tìm được tiếng nói chung với các liên đoàn (bóng bàn, bóng chuyền) trong cơ chế hoạt động. Cùng với động thái này là sự rút lui của hàng loạt thương hiệu khác của tập đoàn dầu khí trong nhiều CLB thể thao khác. Để “mất” một “đại gia” như ngành dầu khí là sự thiệt thòi lớn cho thể thao Việt Nam.
Không phải không còn những hoạt động đầu tư cho thể thao, nhưng nếu có, các doanh nghiệp cũng chọn hướng đi riêng, hầu như không muốn dính dáng đến cơ quan quản lý nhà nước. Tiêu biểu như Học viện HA.GL trong môn bóng đá hay việc đầu tư cho quần vợt, cầu lông của tập đoàn Becamex. Những cách làm này đều đang thành công nhưng đáng tiếc là vẫn chưa nhiều và cũng không xuất phát từ nỗ lực xã hội hóa của ngành thể thao.
ĐĂNG LINH