Theo đó, trong việc giải quyết hồ sơ hành chính, các cơ quan, đơn vị phối hợp phải chủ động nghiên cứu, có ý kiến gửi cơ quan chủ trì, đảm bảo thời hạn trả lời được nêu trong văn bản đề nghị. Trường hợp văn bản đề nghị không quy định thời hạn, thì thực hiện trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ có liên quan. Nếu quá thời hạn lấy ý kiến mà cơ quan, đơn vị phối hợp không trả lời, thì xem như đồng ý với ý kiến của cơ quan chủ trì nêu tại văn bản đề nghị, và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan thuộc phạm vi chức năng tham mưu quản lý nhà nước và phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị mình.
Rõ ràng nội dung chỉ đạo như vậy là rất quyết liệt, giải quyết một vướng mắc lâu nay trong công tác tham mưu giải quyết hồ sơ hành chính: quận hỏi xin ý kiến mà không được sở trả lời hoặc chậm trả lời. Từ nay, trừ trường hợp hồ sơ phức tạp, cần nhiều thời gian hơn để nghiên cứu góp ý, còn với các trường hợp khác sẽ không thể không trả lời trong thời gian hạn định, vì khi im lặng là đã đồng ý, và sẽ phải chịu trách nhiệm vì điều đó.
Thực tế lâu nay đã có rất nhiều việc bị ách tắc kéo dài vì xin ý kiến cấp sở mà không được trả lời. Chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị trong nước nóng ruột nhưng ngại phản ứng, nên vẫn phải ngán ngẩm chờ. Trước đây, có đơn vị thi công một dự án giao thông trọng điểm ở TPHCM xin ý kiến cho đốn hạ một số cây xanh để giải tỏa mặt bằng thi công, nhưng chờ mãi không thấy trả lời, tiến độ bị đình trệ, nên đã tự đốn hạ số cây xanh này, với lập luận chắc nịch là đã có xin phép mà cơ quan thẩm quyền im lặng là đồng ý.
Trong quan hệ tình cảm, ứng xử, không phải lúc nào im lặng cũng là đồng ý. Ở góc độ pháp lý cũng vậy, còn cần phải đáp ứng một số điều kiện nhất định, thí dụ trong giao kết hợp đồng, sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là mặc nhiên chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo tiền lệ đã được xác lập giữa các bên. Nhưng trong công tác tham mưu giải quyết hồ sơ hành chính, UBND TPHCM mạnh dạn xác quyết nguyên tắc im lặng là đồng ý, vì đây là một “nguyên tắc vàng” đã được xác định trong các giải pháp hoàn thiện thủ tục hành chính thời gian tới: quy định rõ thời hạn giải quyết đối với các thủ tục hành chính hiện chưa xác định thời hạn giải quyết; rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức. Điều 6 Nghị định 118/2015/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư) cũng đã có quy định rõ: “Trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời về nội dung được lấy ý kiến trong thời hạn quy định tại Luật Đầu tư và nghị định này. Quá thời hạn quy định mà không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý với nội dung dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý của mình”. Gần đây, một số cơ quan thuế, hải quan cũng đã đưa ra một số quy định theo nguyên tắc im lặng là đồng ý, như việc doanh nghiệp phát hành hóa đơn, gửi cơ quan thuế, sau một thời gian quy định nếu cơ quan thuế không có ý kiến thì được coi là đồng ý.
Thực hiện nguyên tắc im lặng là đồng ý trong công tác tham mưu giải quyết hồ sơ hành chính thể hiện sự đổi mới của chính quyền TPHCM trong cách nghĩ, cách làm, và tinh thần tiến công chống quan liêu, tiêu cực, trì trệ, có tác dụng nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động của người đứng đầu trong việc quyết định các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, không thể tiếp diễn tình trạng “dân rất cần nhưng quan chưa vội”. Nguyên tắc im lặng là đồng ý sẽ tăng trách nhiệm phản hồi và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, do đó sẽ đẩy nhanh quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, chứ không phải từ nhu cầu quản lý dễ hơn của cơ quan công quyền.