
Với các trường hợp mất răng, trước đây có hai cách điều trị cổ điển là làm hàm giả tháo lắp và làm cầu răng cố định. Với hàm giả tháo lắp, tuy ít tốn kém nhưng có nhược điểm là gây hôi miệng, ăn nhai bị đau, bất tiện. Đặc biệt, không giữ được hình dạng và khối lượng xương ổ răng.

Cắm ghép Implant.
Với cầu răng cố định, cách này tương đối bền và thẩm mỹ hơn nhưng có nhược điểm là khi mất một răng là phải làm một cầu răng 3 đơn vị bằng cách mài 2 răng còn tốt bên cạnh để làm nhịp cầu gánh cho răng bị mất. Trong một số trường hợp, cần phải lấy tủy 2 răng bên cạnh.
Giải pháp tối ưu hiện nay là cắm ghép Implant. Implant là một chân răng nhân tạo được làm bằng Titanium- vật liệu có khả năng cao trong việc tích hợp với xương. Implant thay cho chân răng đã mất bằng cách cắm ghép vào xương ổ răng nhờ những thiết bị và dụng cụ chuyên dùng. Sau đó răng giả thẩm mỹ được gắn lên chân Implant. Cách điều trị này sẽ giữ lại được hình dạng và khối lượng xương ổ răng, không xâm phạm tới hai răng tốt kế cận, và đặc biệt kết quả thẩm mỹ sẽ duy trì suốt đời.
Ca cắm ghép Implant đầu tiên được Giáo sư Branenmark thực hiện tại Thụy Sĩ vào năm 1965. Đến nay bệnh nhân này đã gần 80 tuổi và vẫn ăn nhai tốt với Implant nói trên. Tuy nhiên, trước đây việc cắm ghép Implant rất phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm và thời gian lành vết mổ rất lâu (khoảng 6 tháng mới gắn răng giả được) nên Implant chưa phổ biến.
Gần đây đã có rất nhiều phát minh và tiến bộ trong lĩnh vực Implant, kỹ thuật cắm ghép Implant đã đơn giản hơn rất nhiều (các bác sĩ nha khoa tổng quát đã có thể dễ dàng cắm Implant sau một tuần được tập huấn) và quá trình lành vết mổ cũng đã được rút ngắn lại (có thể gắn răng giả tạm thời cho bệnh nhân sau khi nhổ răng và cắm Implant). Ngày nay Implant đã rất phổ biến trên thế giới và hiện ở VN đã có nhiều phòng nha khoa thực hiện thành công việc cắm ghép Implant.
BS NGỌC LIÊN