Indonesia: Lũ bùn tiếp tục gây tai họa

Indonesia: Lũ bùn tiếp tục gây tai họa

Hàng ngàn nạn nhân của lũ bùn, núi lửa ở Indonesia đã lên kế hoạch ngày 16-4 sẽ biểu tình bên ngoài Dinh Tổng thống và tòa nhà Quốc hội để đòi bồi thường. Nếu cần thiết, họ sẽ cắm trại bên ngoài tòa nhà Quốc hội đến khi nào yêu cầu được đáp ứng. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono nói sẽ có hành động chống lại tập đoàn khai thác dầu khí PT Lapindo Brantas nếu họ không bồi thường cho nạn nhân lũ bùn. Tuy nhiên cho đến nay, có khoảng 25.000 người mất việc làm và toàn bộ của cải do thảm họa lũ bùn vẫn chưa được đền bù.

  • Thiệt hại khổng lồ
Indonesia: Lũ bùn tiếp tục gây tai họa ảnh 1

Lũ bùn tràn ngập các khu làng

Theo báo cáo hôm 12-4 của Cơ quan quy hoạch phát triển quốc gia Indonesia, thiệt hại do lũ bùn gây ra là hơn 3 triệu USD. Lũ bùn độc hại đã đẩy 15.000 người khỏi nơi sinh sống.

Bùn đã tràn ngập 600ha, phủ 20 làng, một đường cao tốc, 25 nhà máy, nhiều đường sá, đường xe lửa, một đường ống dẫn khí... và vẫn tiếp tục. Tập đoàn dầu khí quốc gia Indonesia Pertamina tuần rồi đã phải đóng đường ống dẫn khí gần khu vực lũ bùn vì lý do an toàn, khi đường xe lửa và nhiều đường bộ bị bùn tràn ngập...

Các chuyên gia không thể chắc bùn còn phun trào bao lâu nếu không có giải pháp. Một số nói tai họa này có thể kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân được đa số nhận định là do sai lầm trong việc khoan khai thác dầu. Sau khi bùn tuôn trào từ tháng 5-2006, thiệt hại tổng cộng đã khoảng 3,01 tỷ USD và có thể lên đến 4,91 tỷ USD nếu bùn cứ phun trào. Kinh tế khu vực Surabaya, Đông Java đang bị ảnh hưởng trầm trọng...

Theo Bộ trưởng Kế hoạch quốc gia, Paskah Suzetta, chi phí cho những thảm họa thiên nhiên như vụ phun bùn núi lửa này có thể khiến Indonesia bị thâm thủng ngân sách ngày càng nặng.

  • Bùn vẫn chảy nhưng chưa có giải pháp

Hiện bùn vẫn tiếp tục phun trào ở mức 100.000m3 đến 150.000m3/ngày, tương đương dung tích 50 đến 70... hồ bơi Olympic. Indonesia đã cố gắng bít miệng núi lửa bùn bằng cách tiếp tục thả hàng ngàn “quả bóng” bằng bê tông vào miệng hố. Tuy nhiên giải pháp này đến nay vẫn chưa thấy tác dụng.

Các nhà khoa học Indonesia đã nhận được rất nhiều ý kiến của đồng nghiệp trên thế giới nhưng chưa có ai từng có kinh nghiệm ngăn chặn lũ bùn kiểu này. Theo họ, dòng lũ bùn chảy ngầm dưới lòng đất quá ngoằn ngoèo và lượng phun trào quá lớn nên rất khó chặn đứng. Hôm 19-3, người ta đã rất mừng khi bùn ngưng phun trào, nhưng cũng chỉ được... 35 phút.

Dưới áp lực của dân chúng và các tổ chức, Tổng thống Bambang Yudhoyono hôm 8-4 đã ký quyết định buộc công ty PT Lapino Brantas phải mua lại mọi nhà cửa, đất đai của nạn nhân lũ bùn (dựa trên bản đồ công bố hôm 22-3, được một ủy ban đặc biệt thông qua).

Chính phủ Indonesia tuần này đồng ý chi 275 triệu USD để xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị bùn phá hủy, chuyển một đường xe lửa chính khỏi khu vực nguy hiểm. Chính phủ cũng đặt hạn chót bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng, với trách nhiệm chính là tập đoàn PT Lapindo Brantas, bị cáo buộc đã gây ra thảm họa này khi khoan thăm dò.

THI LÊ (theo Antara)

Tin cùng chuyên mục