Iran tự chủ kinh tế

Từng bước xây dựng nền kinh tế theo chính sách tự chủ, Iran đang dần khắc phục được những hậu quả từ hàng loạt lệnh trừng phạt mà Mỹ liên tục áp đặt. 
Giàn khoan dầu trên vịnh Persian, phía nam thủ đô Tehran, Iran. Ảnh: REUTERS
Giàn khoan dầu trên vịnh Persian, phía nam thủ đô Tehran, Iran. Ảnh: REUTERS

Theo Tiến sĩ Majid Rafizadeh, nhà khoa học chính trị người Mỹ gốc Iran, trước năm 2015, thời điểm đạt được thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trên thế giới, nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran thành công vì một số lý do. Trước hết, Mỹ có khả năng thuyết phục Nga và Trung Quốc cùng dồn áp lực lên Tehran. Điều này dẫn đến sự nhất trí giữa 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ), cho phép thông qua một số nghị quyết trừng phạt Iran.

Nhưng hiện tại đã có khoảng cách quá lớn, dẫn đến việc khó gắn kết giữa các cường quốc toàn cầu - một bên là Mỹ, Anh và Pháp, bên kia là Nga và Trung Quốc - liên quan đến vấn đề trừng phạt Iran. Mỹ cũng không thể thu hút đủ sự ủng hộ của nhiều nước khác để khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc với Iran. Trong khi đó, dù chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt, trong vài năm gần đây, kinh tế Iran vẫn phát triển. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đạt 3,1%, năm nay dự báo đạt 2,4%.

Tehran - một mặt thích nghi với các lệnh trừng phạt, mặt khác tiếp tục thiết lập các thị trường thay thế nhập khẩu và định hướng lại nền kinh tế. Trước làn sóng lạm phát cao và hạn chế rút vốn ra nước ngoài, người Iran chuyển hướng đầu tư vào sản xuất trong nước. Các nhà đầu tư nội địa đã cứu các công ty khỏi phá sản. Ba năm trước, Sở Giao dịch chứng khoán Tehran trở thành thị trường chứng khoán phát triển nhanh nhất thế giới. Thông qua trung gian từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ, Iran vẫn có được nguồn cung sản phẩm từ các nhà sản xuất phương Tây. Hơn nữa, Iran đang sở hữu lượng khí đốt tự nhiên và trữ lượng dầu thô lớn trên thế giới, với sản lượng bán dầu chiếm gần 60% tổng doanh thu của chính phủ và hơn 80% doanh thu xuất khẩu của nước này. Tận dụng cơ hội từ sự chia rẽ hiện tại giữa các cường quốc toàn cầu, Iran còn ký được nhiều thỏa thuận dài hạn với những khách hàng dầu mỏ lớn để bảo vệ nền kinh tế. Tiến sĩ Majid Rafizadeh nhận định, những diễn biến mới cho thấy các lệnh trừng phạt của Washington dần kém hiệu quả trong việc răn đe Tehran.

Tin cùng chuyên mục