
Theo một tường trình của báo Newsweek, đối với một số doanh nhân, Iraq là nơi dễ kiếm tiền. Đây là một tường trình hiếm có trên báo đài phương Tây, bởi vì hằng ngày hằng giờ họ chỉ tập trung vào các hình ảnh chết chóc và hỗn loạn ở Iraq.
Khỏe” nhờ “thuốc kích thích”?

Hãy xét trường hợp Iraqna, hãng viễn thông hàng đầu Iraq. Báo cáo kinh doanh hàng quý của công ty rõ đọc không thấy chán. Năm 2005, dẫu nhân viên liên tục bị bắt cóc, trạm thu phát tín hiệu bị nổ bom, cửa hàng bị bắn phá và phải dành ra kinh phí cực lớn cho công tác an ninh - khoảng bốn cận vệ/một nhân viên - Iraqna vẫn đạt doanh số 333 triệu đôla Mỹ. Còn năm 2006, dự kiến con số trên sẽ vọt lên đến 520 triệu.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện Iraq có 7,1 triệu thuê bao điện thoại di động, trong khi hai năm trước đây, chỉ khoảng 1,4 triệu. Iraqna không phải là doanh nghiệp duy nhất thành công. Bên cạnh đó, còn có hãng Nipal chuyên dịch vụ chuyển tiền - xương sống của nền kinh tế tiền mặt Iraq - và một số công ty khác thuộc ngành xây dựng đang ăn nên làm ra ở vùng Kurdistan (Bắc Iraq). Các doanh nghiệp này không chờ khủng hoảng chính trị chấm dứt. Giả dụ tình hình tốt lên, họ sẽ phát đạt đến dường nào. Và rồi chắc chắn sẽ có thêm các công ty khác nhanh chóng nhảy vào thị trường.
Wael Ziada, một nhà phân tích ở Cairo (Ai Cập), nói rằng tại Iraq luôn có của cải và nhiều túi sẵn tiền, dẫu cho tình hình tồi tệ đến thế nào đi chăng nữa. Nội chiến hay không, Iraq vẫn là một nền kinh tế và - có lẽ ngạc nhiên lớn nhất - nền kinh tế này vận hành khá tốt. Khu vực địa ốc đang bùng nổ. “Sức khỏe” của ngành xây dựng, bán lẻ, bán sỉ cũng rất khả quan - theo báo cáo của Global Insight, một hãng phân tích kinh tế, tài chính trụ sở tại London. Phòng Thương mại Mỹ thì cho biết đã có 34.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động ở Iraq, tăng… 325% so với cách đây 3 năm. Global Insight cho rằng năm 2005, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) Iraq đã lên tới 17%. Hãng cũng dự báo năm 2006, con số này sẽ giảm còn 13%. Nhưng Ngân hàng Thế giới thì dè dặt hơn: 4%.

Dầu mỏ - túi tiền của nền kinh tế Iraq
Nhưng chuyện diễn ra thế nào? Iraq là một đất nước sụp đổ, tê liệt, sống nhờ các nguồn tài chính do quốc tế bơm vào, giống như vận động viên được tiêm thuốc kích thích. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2006, thu nhập từ dầu hỏa và tài trợ quốc tế của Iraq sẽ lên đến khoảng 41 tỷ đôla. Do tình hình an ninh đang được cải thiện tại một khu vực quan yếu - các giếng dầu ở miền Nam - con số này có thể còn tăng cao hơn nữa.
Doanh nghiệp lẫn người dân:
vẫn chờ đợi!
Vâng, các khó khăn của Iraq thật đáng sợ. Tỷ lệ thất nghiệp cao ngất trời - 30% đến 50%. Phần lớn các công ty xí nghiệp quốc doanh đều đóng cửa. Phần lớn tiền của cũng chảy đi đâu chứ không đổ vào những lĩnh vực cần thiết đối với tương lai đất nước này. An ninh, chẳng hạn, đã ngốn hết một phần ba ngân sách các công ty, trong khi Iraq lại cần thêm nhà thương, nhà máy điện và đường cao tốc.
Dù cho dùng vào việc gì đi nữa - an ninh hay lĩnh vực khác, tiền vẫn đang lưu thông. Người Iraq bình thường không thiếu tiền tiêu. Sau nhiều năm tháng sống chung với cấm vận kinh tế, không có gì để mua, nhiều người tích lũy được cả một gia tài nho nhỏ. Nay họ lấy ra xài, qua đó thúc đẩy các hoạt động kinh tế, đặc biệt là ở khu vực bán lẻ. Hàng nhập khẩu ngày càng dễ mua, bởi chính phủ đã bãi bỏ thuế nhập khẩu và các rào cản thương mại. Tính từ khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ (năm 2003) đến nay, tiền lương đã tăng hơn 100%. Túi của người Iraq còn thêm rủng rỉnh nhờ thuế thu nhập được giảm - từ 45% xuống còn 15%.
Ngay cả tham nhũng cũng tạo hiệu ứng tích cực. Tiền lấy cắp từ két sắt chính phủ hoặc bòn rút từ các dự án viện trợ không tan biến hết. Farid Ablofathi, một nhà phân tích thuộc Global Insight, gọi đó là hiệu ứng “lọt sàng xuống nia”. Ông nhận xét thêm, các hoạt động ngầm là phần năng động nhất của nền kinh tế Iraq. Có thể nhiều người cho rằng đây là điều tồi tệ, nhưng theo Ablofathi, nhờ đó tiền mới vào tay người dân.
Cùng lúc, về mặt thể chế, kinh tế Iraq cũng đạt các tiến bộ đáng ngạc nhiên. Đầu năm nay, Chính phủ Iraq đã đi một bước - tuy ngập ngừng: cắt bỏ trợ giá xăng dầu. Giá xăng từ chỉ vài xu đôla Mỹ đã lên khoảng 14 xu đôla Mỹ. Nhà kinh tế Colin Rowar thuộc đại học Birmingham (Anh) cho rằng, đây là một cam kết quan trọng, nhờ đó các nhà kinh doanh sẽ lưu tâm đến Iraq hơn. Đương nhiên, chưa thể có tiến bộ thật sự cho đến khi nào tình hình an ninh được cải thiện. Hệ thống ngân hàng Iraq cũng chưa hoạt động lại bình thường. Tuy Iraq ngày càng được quan tâm - như một thị trường mới nổi lên đầy tiềm năng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không cam kết gì nghiêm chỉnh cho đến khi nào họ thấy an tâm, tức là khi tình hình đã ổn định.
Và người Iraq có tiền không lạc quan nhiều về viễn cảnh đất nước. Trên thị trường cổ phiếu phôi thai của Iraq, người mua mới chỉ mua loại trái phiếu nội tệ chính phủ thời hạn sáu tháng.
NGỌC TRUNG (Theo Newsweek)