Cuối tháng 11-2017 vừa qua, Trung tâm Công nghệ Dệt Italia - Việt Nam được khánh thành tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Đây là hoạt động nằm trong dự án được khởi xướng từ năm 2015, nhằm mục đích thúc đẩy thương mại và phát triển hợp tác kinh doanh giữa Italia và Việt Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp tham quan Trung tâm Công nghệ Dệt Italia - Việt
Ngành dệt may Việt Nam trong những năm qua đã và đang có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may trong năm 2016 đạt khoảng 28 tỷ USD (tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015). Trong 10 tháng đầu năm 2017 đạt 21,43 tỷ USD (tăng 9%) tại các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Riêng với thị trường Italia, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may của Việt Nam trong năm 2016 đạt 219 triệu USD và 10 tháng đầu năm 2017 đạt 186,7 triệu USD.
Italia hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 18 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 15 của Việt Nam. Theo Bộ Công thương, trong 10 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Italia đạt trên 3,7 tỷ USD. Italia cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong khối EU với kim ngạch thương mại 2 chiều vào khoảng 4,6 tỷ USD trong năm 2016. Bên cạnh đó, Italia đang là nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực đồng Euro, có tổng thu nhập quốc dân (GDP) đạt hơn 2,2 ngàn tỷ USD trong năm 2016; là nền kinh tế sản xuất lớn thứ 2 tại châu Âu và lớn thứ 7 trên thế giới. Thặng dư thương mại trong lĩnh vực sản xuất của Italia đứng thứ 5 trong số các nước G20, với giá trị lên đến 103,8 tỷ USD trong năm 2015. Với dân số trên 60 triệu dân và GDP bình quân đầu người 36.300 USD/năm, Italia thực sự là thị trường hấp dẫn và đầy tiềm năng. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng sự ra đời của Trung tâm Công nghệ Dệt Italia - Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với ngành dệt may nước ta nói chung và TPHCM nói riêng. Đặc biệt, tỷ lệ giá trị tăng thêm của ngành dệt may đạt 51,48%, tăng 5,28 điểm phần trăm, được đánh giá cao hơn ngành da giày và ngành điện thoại, máy tính cũng như sản phẩm điện tử. Tuy nhiên, giá trị tăng thêm của ngành chủ yếu do hàm lượng lao động trong sản phẩm khá lớn. Ngoài ra, hiện ngành dệt may Việt Nam cũng phụ thuộc khá nhiều vào nguyên - phụ liệu nhập khẩu, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khâu thiết kế, tạo mẫu và công nghệ sản xuất dệt may như dệt, nhuộm... Với Trung tâm Công nghệ Dệt Italia - Việt Nam được sự tài trợ của Chính phủ Italia, giữa Thương vụ Italia (ITA) và Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM (HCMUT) cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Hiệp hội Máy dệt Italia (ACIMIT) và Tổ chức phi chính phủ quốc tế về Phát triển Công nghiệp và kinh tế (PISIE), doanh nghiệp dệt may Việt Nam có nhiều điều kiện hơn để tiếp cận các kỹ thuật mới cũng như cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các giáo sư, nhà nghiên cứu tại nhiều trường đại học của Italia. Bên cạnh đó, trung tâm cũng đặt ra thách thức là đòi hỏi phía đại học Việt Nam phải xây dựng lại chương trình đào tạo theo hướng đổi mới và sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để đào tạo ra lực lượng chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên chuyên nghiệp cho lĩnh vực dệt may. Theo GS-TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM, Trung tâm Công nghệ Dệt Italia - Việt Nam được tiếp nhận các máy móc, thiết bị cũng như khóa đào tạo nguồn từ chuyên gia Italia dành cho giảng viên và các kỹ sư từ nhiều doanh nghiệp trong ngành, nhằm mục đích phục vụ nghiên cứu và huấn luyện. Trung tâm sẽ là địa chỉ tin cậy để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực dệt may. Còn ông Paolo Lemma, Trưởng đại diện Thương vụ Italia tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam là thị trường tiềm năng, có nhiều cơ hội hợp tác dành cho các doanh nghiệp Italia ở những lĩnh vực Italia đang quan tâm như dệt may, da giày, thuộc da, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng… Việt Nam có nhiều lợi thế về nhân lực, điều kiện kinh tế, thị trường mở để phát triển các ngành mà Italia có thế mạnh và 2 bên có thể hỗ trợ cho nhau. Ông Paolo Lemma tin rằng, nếu các doanh nghiệp 2 nước tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác lẫn nhau, kim ngạch thương mại 2 chiều của 2 quốc gia sẽ không ngừng tăng lên n