Italia thúc đẩy sớm phê chuẩn Hiệp định đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Cộng hòa Italia, ngài Sergio Mattarella đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Chiều 6-11, tại Phủ Chủ tịch đã diễn ra lễ đón chính thức ngài Tổng thống cùng đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước nước Cộng hòa Italia.
Italia thúc đẩy sớm phê chuẩn Hiệp định đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU

(SGGP).- Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Cộng hòa Italia, ngài Sergio Mattarella đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Chiều 6-11, tại Phủ Chủ tịch đã diễn ra lễ đón chính thức ngài Tổng thống cùng đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước nước Cộng hòa Italia.

Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thông báo với Ngài Tổng thống và đoàn các nét lớn về tình hình Việt Nam. GDP của Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,5% và đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa. Việt Nam chủ trương triển khai mạnh mẽ đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh, chú trọng đưa quan hệ với các đối tác ưu tiên, truyền thống đi vào chiều sâu, trong đó Italia chiếm một vị trí quan trọng. Việc Italia phát triển quan hệ ngày càng sâu rộng với Việt Nam có ý nghĩa lớn trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh hội nhập và tham gia liên kết kinh tế quốc tế, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương quan trọng, trong đó có ưu tiên cao cho hiệp định thương mại tự do với EU.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Sergio Mattarella đều hài lòng về việc hai bên có nhiều cơ chế trao đổi hợp tác như đối thoại chiến lược, đối thoại chính sách quốc phòng, lập ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế. Trao đổi các đoàn cấp cao và các bộ, ngành, địa phương ngày càng thường xuyên hơn, tạo điều kiện về cơ sở pháp lý và thúc đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực hợp tác. Hai nhà lãnh đạo cũng đều đánh giá cao sự phối hợp giữa hai nước trên các diễn đàn đa phương, giúp Việt Nam và Italia nâng cao vị thế quốc tế, đặc biệt trong những lĩnh vực giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh biển. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn Italia đã ủng hộ Việt Nam vào ECOSOC nhiệm kỳ 2016 - 2018 và cam kết ủng hộ Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị và ngài Tổng thống nhất trí sẽ thúc đẩy Quốc hội Italia sớm phê chuẩn Hiệp định đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU ký năm 2012 hiện chỉ còn 4 nước chưa phê chuẩn. Italia hoàn toàn ủng hộ Việt Nam sớm ký chính thức hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Về vấn đề khu vực, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Sergio Mattarella đã trao đổi về tình hình gia tăng các hoạt động tôn tạo bãi đá, gây bất ổn cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quốc tế lớn và kết nối thông thương giữa châu Âu và Đông Á. Chủ tịch nước đề nghị Italia phát huy tiếng nói trong khối G7 và EU, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử các bên trên biển Đông (DOC) và sớm xây dựng bộ quy tắc ứng xử (COC). Tổng thống Italia khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, duy trì tự do hàng hải, hàng không và đảm bảo an toàn, an ninh khu vực.

Tổng thống Italia Sergio Mattarella tán thành và chia sẻ với các đánh giá, đề xuất của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và cho rằng hai nước còn có nhiều triển vọng hợp tác dựa trên tính bổ sung cho nhau giữa hai nền kinh tế. Italia đã đưa Việt Nam vào danh sách 10 thị trường mới nổi ưu tiên phát triển thương mại, đầu tư. Nhiều doanh nghiệp Italia có kế hoạch kinh doanh lâu dài và đang triển khai các dự án rất hiệu quả tại Việt Nam; đồng thời đề nghị Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho hoạt động của các doanh nghiệp Italia.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Italy Sergio Mattarella

Cùng ngày Tổng thống Sergio Mattarella cũng đã có các cuộc hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

VĂN NGHĨA


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản

Chiều 6-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Bày tỏ hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là coi trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Tổng Bí thư đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn các cơ chế hợp tác đối thoại hiện có và tích cực phối hợp triển khai cụ thể các thỏa thuận song phương đã ký giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng.

Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đang có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển hết sức tốt đẹp, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Chính sách nhất quán của Việt Nam là mong muốn cùng Nhật Bản nỗ lực để tiếp tục đưa quan hệ hai nước phát triển thực chất, hiệu quả và sâu sắc hơn nữa trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch khoa học - kỹ thuật giáo dục - đào tạo an ninh - quốc phòng…

Về vấn đề biển Đông, Bộ trưởng Gen Nakatani khẳng định, Nhật Bản chia sẻ quan điểm, lập trường của ASEAN và Việt Nam về việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.

NGỌC MINH

Iceland chia sẻ kinh nghiệm đánh bắt cá và chế biến thủy sản

(SGGP).- Ngày 6-11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Cộng hòa Iceland Ólafur Ragnar Grímsson đã tham dự hội thảo “Xây dựng thành công ngành đánh bắt cá và chế biến thủy sản - Bài học của Iceland” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cục Xúc tiến thương mại và đầu tư Iceland (Promote Iceland) phối hợp tổ chức.

Chia sẻ về câu chuyện thành công của Iceland, Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson cho rằng, vấn đề không nằm ở số lượng mà nằm ở chất lượng, giá trị thương mại được tối đa hóa từ đàn cá đánh bắt được. Ở nhiều nước, theo Tổng thống Iceland, họ bỏ đi đầu, bụng, xương, da… coi đây là phần thừa, chỉ lấy những miếng phi-lê để đưa ra thị trường. Nhưng với việc áp dụng các công nghệ cao, Iceland đã biến những phần tưởng chừng như dư thừa đó thành các sản phẩm có giá trị thương mại như da cá chế biến thành dược phẩm dùng để chữa lành các vết thương; gan cá, trứng cá trở thành thực phẩm đóng hộp… Iceland gọi việc áp dụng công nghệ cao vào chế biến cá là Inventing Fish và nhờ đó mà Iceland có thể khai thác được 99% giá trị của đàn cá đánh bắt. Và cũng nhờ đó, Iceland trở thành quốc gia đánh bắt và chế biến thủy sản, các sản phẩm từ cá của quốc gia Bắc Âu có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson cho biết, Iceland sẵn sàng chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm về đánh bắt và chế biến thủy sản cho Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của ngành này ở Việt Nam.

Cùng ngày, Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson và phu nhân đã đi thăm địa đạo Củ Chi.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục