Jorma Ollila - Đưa thế giới đến gần nhau (*)

Bài 4: Nhiệm vụ cuối cùng
Jorma Ollila - Đưa thế giới đến gần nhau (*)

Bài 4: Nhiệm vụ cuối cùng

Vào năm 1999, sau thành công ngoạn mục đưa Nokia lên vị trí số một thế giới, hội đồng quản trị của Nokia và Jorma Ollila đã đạt được thỏa thuận rằng Ollila sẽ tiếp tục làm CEO cho Nokia thêm 5 năm nữa. Toàn thể nhân viên Nokia trên toàn thế giới vui mừng đón tin tức trên. Như vậy là Ollila chưa được “nghỉ hưu sớm” sau một nhiệm kỳ.

Điện thoại di động mang hương vị Phần Lan

Jorma Ollila - Đưa thế giới đến gần nhau (*) ảnh 1
Olli Pekka Kallasvuo - người kế nhiệm Jorma Ollila

Nokia cần ông cống hiến thêm một nhiệm kỳ nữa, kéo dài đến tháng 6-2006. Nhiệm kỳ hai ông có thêm vai trò chủ tịch tại Nokia. Cuộc cách mạng thứ hai, toàn cầu hóa, đã rất rõ nét, sau cuộc cách mạng thứ nhất - tái cấu trúc tập đoàn. Ít có vị CEO nào hoàn tất một lúc hai sứ mệnh như vậy trong một nhiệm kỳ. Uy tín của ông cao chất ngất. Kỳ vọng vào ông cũng cao chất ngất.

Và việc một người mà giữ đồng thời hai chức vụ cao nhất, vừa là chủ tịch lãnh đạo vừa là CEO điều hành, là một việc chưa hề có trong truyền thống quản trị doanh nghiệp của Phần Lan. Ollila là trường hợp tạo nên tiền lệ. Điều này có ý nghĩa gì? Đó là bước cải tổ sau cùng của Ollila về mặt quản trị để đưa một công ty Phần Lan sử dụng mô hình giống như Mỹ.

Năm 2001, Nokia dưới sự lãnh đạo của ông đã đưa 10 triệu người dùng trên thế giới, theo IDC, vào trong kỷ nguyên di động - Internet. Điện thoại Nokia 8310 lần đầu tiên có đài FM và lần đầu tiên dùng được GPRS - cho phép truy cập Internet. Nokia 6310 thì lần đầu tiên sử dụng công nghệ bluetooth.

Cũng năm đó, lần đầu tiên cho ra đời điện thoại di động chụp ảnh kỹ thuật số và tính năng nhắn tin đa phương tiện gọi là MMS. Nokia luôn luôn ở vị trí tiên phong trong việc thỏa mãn nhu cầu của người dùng. Chiếc điện thoại không còn đơn thuần là cục “a lô”. Nó là giải trí, là tiện nghi Internet, là chụp ảnh những khoảnh khắc kỷ niệm. Nó là phong cách của mỗi người. Nhưng Ollila luôn luôn nói với báo chí: “Chức năng thoại vẫn là quan trọng nhất”. Con người vẫn cần nghe tiếng nói của nhau trong giao tiếp, những tiện ích khác là giúp mọi người kết nối với thế giới dễ dàng hơn.

Vào năm 2003, vị Chủ tịch Ollila nói: “Chúng ta đã tiến một bước vĩ đại”. E-Business Week trích dẫn câu nói này vào số 29-9 năm đó và bình luận “Thực sự thì, mạng điện thoại di động giờ đây đã mang hương vị Phần Lan”. Tờ báo này gọi ông là nhà đổi mới. Trong khi đó Financial Times gọi Ollila là “người làm thay đổi thế giới”. Người Phần Lan bắt đầu xem Nokia là thương hiệu quốc gia của họ. Nokia, có thể nói không ngoa, đã góp phần làm Phần Lan nổi tiếng trên thế giới.  

Chọn người kế vị

Năm 2002, theo điều tra của Finacial Times và PriceWaterhouseCoopers thì Nokia xếp thứ 29 trong sách các công ty được trọng vọng nhất thế giới. Trong khi đó, bản thân Ollila đứng thứ 20 trong danh sách những nhà doanh nghiệp đáng kính hàng đầu của hành tinh.

Tài năng, thành công, vinh quang nhiều lần dường như đưa đẩy ông trở về con đường chính trị mà ông đã từ bỏ từ thuở thanh niên. Trong một buổi phỏng vấn Ollila trên kênh BBC vào ngày 12-4-2004, tiến sĩ Arto Arila tiên đoán: “Ngân sách Nokia cũng có tầm quan trọng như ngân sách quốc gia. Vì thế, họ có tầm ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi.

Vào lúc này, Jorma hầu như chắc chắn có tầm ảnh hưởng ngang với tổng thống Phần Lan”. Ollila từng nhận được đề nghị tranh chức tổng thống, từ một người bạn vốn là Bộ trưởng Bộ Tài chính Sauli Niinisto - sau này là Giám đốc European Investment Bank. Ollila hứa là sẽ xem xét vấn đề nghiêm túc nhưng cho đến ngày ông rời ngai vàng Nokia, điều này vẫn chưa xảy ra, kể từ lời khuyên năm 1999.

Cổ phiếu của Nokia chiếm đến 65% lượng mua bán trên sàn giao dịch chứng khoán Helsinki. Điều này là dấu hiệu cho biết Nokia có một vai trò quan trọng như thế nào tại quê hương của nó cũng như tầm ảnh hưởng của nhân vật kiệt xuất viết nên huyền thoại Nokia. Thu nhập của công ty này bằng tất cả doanh nghiệp trong nước cộng lại. Cổ phiếu của Nokia giúp cho đất nước Phần Lan có thêm 20.000 nhà triệu phú - một con số rất lớn đối với một đất nước chỉ có năm triệu dân.

Giữa năm 2006, báo chí thế giới loan tin Nokia thay thế CEO. Giá cổ phiếu ngay lập tức rớt 0,8%. Ollila đề xuất người thân cận nhất là ông bạn OPK (Olli Pekka Kallasvuo) vào vai trò kế nhiệm. Ông nói, người cựu binh 25 năm làm việc cho Nokia là lựa chọn thích hợp nhất.

Kallasvuo, Fortune gọi là “gã lầm lì luật-sư-chuyển-sang-đầu-tư-công-nghệ” là người đã cùng Ollila suy nghĩ bên tách cà phê, vạch đường đi cho Nokia gần 15 năm trước, khi Nokia đứng bên bờ phá sản như chú rùa đeo cái mai nặng cồng kềnh với một tá ngành kinh doanh. Chọn Kallasvuo, Ollila hoàn tất nhiệm vụ sau cùng.

Chọn phía thách thức

Giữa năm 2006, Jorma Ollila rời khỏi Nokia. Vì sao Ollila kiên quyết ra đi trong khi Nokia nài nỉ ông ở lại? Ollila đã trả lời phỏng vấn nhân dịp xây nhà máy Nokia ở Ấn Độ ngày 29-6-2006.

- Đã ba tháng từ ngày ông thôi làm CEO, ông định rời Nokia - một công ty đã mạnh hơn rất nhiều từ khi họ thuê ông.

- Tôi nghĩ thị trường của chúng tôi bây giờ đã hơn 100 lần so với khi tôi bắt đầu vào 15 năm trước. Đó là điều làm tôi rất hài lòng.

- Ông sẽ làm chủ tịch của hãng Shell?

- Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều cần một sự đổi mới. Nó giúp cho các tế bào thần kinh của bạn làm việc tốt hơn. Tôi được đề nghị vào vị trí dẫn dắt tiến trình đổi mới ở Shell và tôi nhảy vào đó, bởi vì năng lượng sẽ trở thành thách thức trong 10 năm tới. Như vậy, tôi có cơ hội để trở thành một phần của câu chuyện thật sự thích thú và có ý nghĩa. 

__________
(*) Sách do Tổ hợp giáo dục PACE phối hợp với NXB Trẻ ấn hành.
Đón xem số tới: Đại gia tỉnh lẻ. Tiểu thuyết mang hơi hướng phóng sự khá lạ và cuốn hút của nhà văn Trần Văn Tuấn.

Đặng Tươi-Ngọc Hoàng
và các chuyên gia của PACE

Bài liên quan:

- Bài 1: Kiến tạo giấc mơ

- Bài 2: Kinh doanh không biên giới

- Bài 3: Mang Internet vào túi áo từng người

Tin cùng chuyên mục