Kết cấu hạ tầng - khâu đột phá chiến lược

Nội dung quan trọng của Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 10 khai mạc vào sáng nay (3-7) là thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13-NQTƯ (khóa XI) về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Trong đó, một trong 10 vấn đề mà Thành ủy TPHCM nêu ra trong Chương trình hành động và cũng là nỗi bức xúc của người dân TPHCM, đó là phát triển hạ tầng giao thông, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông ở TPHCM vào năm 2020.

Nội dung quan trọng của Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 10 khai mạc vào sáng nay (3-7) là thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13-NQTƯ (khóa XI) về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Trong đó, một trong 10 vấn đề mà Thành ủy TPHCM nêu ra trong Chương trình hành động và cũng là nỗi bức xúc của người dân TPHCM, đó là phát triển hạ tầng giao thông, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông ở TPHCM vào năm 2020.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là một bộ phận chủ yếu của hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, là cơ sở quan trọng để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và là cầu nối giúp TPHCM cùng cả nước hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thực tế ở TPHCM cho thấy, khi hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phát triển thì đây là chất xúc tác giúp các hoạt động của nền kinh tế đó phát triển nhanh, bền vững.

Những năm qua, hạ tầng giao thông ở TPHCM phát triển nhanh chóng với nhiều “công trình thế kỷ” như đại lộ Nguyễn Văn Linh; đại lộ Võ Văn Kiệt; hầm vượt sông Thủ Thiêm; cầu Phú Mỹ cùng hệ thống các đường vành đai… Những công trình này không chỉ nâng cao tốc độ khai thác trên các tuyến giao thông, tăng lưu lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa, mà quan trọng hơn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh, chỉnh trang bộ mặt đô thị, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, so với yêu cầu, kết cấu hạ tầng giao thông ở TPHCM còn nhiều hạn chế, yếu kém: việc kết nối hạ tầng giao thông với vùng trọng điểm phía Nam thiếu đồng bộ; tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, từ đó làm giảm năng lực cạnh tranh, cản trở mục tiêu tăng trưởng kinh tế của TPHCM. Một trong những nguyên nhân chính, đó là trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn hạn chế, yếu kém. Do vậy, vấn đề đặt ra trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở TPHCM là nhanh chóng tiến hành rà soát, điều chỉnh, hợp nhất các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn TP; đẩy mạnh các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết ở 24 quận - huyện; nâng dần tỷ lệ đất giao thông thông qua xây dựng các công trình giao thông ở các khu đô thị vệ tinh; tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng; ưu tiên các kết nối hạ tầng đồng bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không… Hội nghị Thành ủy lần thứ 10 đặt ra vấn đề cần phải “nghiên cứu, dự báo, quy hoạch mang tính chiến lược”. Hiện nay, chất lượng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông ở TPHCM chưa cao, thiếu đồng bộ và tính khả thi thấp. Nên yêu cầu đặt ra là cần được nâng cấp đồng bộ; bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật; liên thông các tuyến đường liên vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế; phát triển thêm mạng đường cao tốc... Qua chuyến đi kiểm tra việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp ở 24 quận - huyện, đoàn công tác của Thành ủy TPHCM do Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải dẫn đầu, đều chỉ đạo đẩy nhanh công tác quy hoạch và thực hiện nghiêm bản quy hoạch 1/2.000, vì đây là cơ sở quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất dành cho giao thông, phát triển mạng lưới giao thông ở các khu đô thị vệ tinh. Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là quỹ đất dành cho giao thông rất thấp. Ở TPHCM, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đạt khoảng 20% - 25% so với quy định. Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, trong khi mật độ dân số ở TPHCM quá cao và khó kiểm soát chặt chẽ… Các giải pháp mà Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 10 đặt ra để phát triển hạ tầng giao thông cũng là một bước cụ thể hóa các nội dung của 6 Chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa IX.

Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được hội nghị hôm nay thảo luận, bổ sung hoàn chỉnh Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13-NQTƯ (khóa XI) là một đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở TPHCM đúng định hướng.

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục