(SGGP).- Hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban cần thực chất hơn; tránh những kết luận giám sát chung chung, không có địa chỉ - một tình trạng khá phổ biến hiện nay.
Đây là ý kiến được nhiều đại biểu nêu ra tại hội nghị về công tác phối hợp phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức hôm qua, 24-2. Các ý kiến cũng nhìn nhận, việc phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan còn một số hạn chế, dẫn tới chất lượng hoạt động giám sát nói chung chưa cao.
Theo ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khi tiến hành giám sát địa phương, bộ ngành phải chuẩn bị chương trình giám sát một cách chu đáo, nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu tình hình và đặc biệt là nghiên cứu đơn thư khiếu kiện, tố cáo kéo dài có liên quan đến lĩnh vực được giám sát. “Kết luận giám sát phải cụ thể, rõ trách nhiệm và trong trường hợp cần thiết thì kiến nghị xử lý”, ông Quyền nhấn mạnh.
Vẫn theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đình Quyền và một số đại biểu khác, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật cần được tăng cường hơn nữa, vì mặc dù đây là hoạt động ít tốn kém thời gian, công sức và kinh phí nhất, nhưng lại có tác dụng và hiệu quả rất lớn, cả trong thực tiễn lẫn trong công tác xây dựng pháp luật.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị các đơn vị phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chặt chẽ hơn nữa với nhau và với các cơ quan liên quan; đảm bảo chất lượng của các báo cáo giám sát, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
ANH THƯ