Tuy nhiên, để giúp doanh nghiệp (DN) tăng nội lực và hội nhập thị trường thương mại tự do, TPHCM đang triển khai nhiều chương trình kết nối cộng đồng khởi nghiệp toàn cầu.
Từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam phát động chương trình Quốc gia khởi nghiệp. Theo đó, các hoạt động về khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo (KN - ĐMST) được định hướng dựa trên cơ cấu phát triển của nền kinh tế. Điều đó minh chứng rằng, Chính phủ Việt Nam xem KN - ĐMST như động lực để thay đổi nền kinh tế quốc gia. Trong bối cảnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân và cả cơ quan quản lý nhà nước rất xem trọng và từng bước mở rộng sự hợp tác quốc tế để cùng chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp và tham gia với tiêu chí xây dựng nên một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thống nhất và bền vững.
Tuy nhiên, đánh giá chung về các chỉ số về KN - ĐMST của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng hiện nay Việt Nam vẫn còn đứng sau nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia… Bên cạnh đó, đa số các startup có quy mô nhỏ, nằm ở giai đoạn hạt giống nên cần hỗ trợ ươm tạo (chưa bước vào giai đoạn gọi vốn), khả năng tăng trưởng đột phá không cao. Đồng thời, cơ chế chính sách vẫn chưa thực sự tạo ra cú hích mạnh cho hoạt động KN - ĐMST. Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, cho rằng đã đến lúc phải thay đổi và hành động thật nhanh trong lĩnh vực KN - ĐMST. Thế giới đang chuyển động rất nhanh và Việt Nam không có con đường nào khác là phải hòa cùng dòng chảy hội nhập, đẩy nhanh hoạt động ĐMST thông qua các chương trình cụ thể để không bị bỏ lại phía sau. Việc xúc tiến liên kết với hệ sinh thái KN-ĐMST của các quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia, Đức, Singapore… sẽ giúp cộng đồng KN - ĐMST Việt Nam nhận được sự chuyển giao công nghệ, công nghệ mới nổi; trao đổi kiến thức và trải nghiệm thực tế… Thông qua các hợp tác chiến lược, từng bước giúp cộng đồng KN - ĐMST, dự án của các starup mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và thương mại hóa sản phẩm.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ, cho biết hiện nay cùng với những chương trình hành động cụ thể trên khắp các tỉnh thành; trong đó có vai trò định hướng của Nhà nước, hệ KN - ĐMST Việt Nam đã thu hút sự tham gia đầy đủ thành phần của một hệ sinh thái ĐMST hoàn chỉnh. Thông qua đó, từng bước đã và đang hỗ trợ cộng đồng KN - ĐMST Việt Nam kết nối và hợp tác với nhiều đối tác đến từ các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Mỹ, Phần Lan, Canada, Hàn Quốc, Đức…
Ghi nhận thực tế, trong 2 năm vừa qua, Saigon Innovation Hub (SIHUB) - Không gian hỗ trợ KN - ĐMST đã hỗ trợ hơn 958 dự án khởi nghiệp, 15 vườn ươm; nâng cao năng lực, phát triển mạng lưới cho hơn 100 cố vấn khởi nghiệp, đào tạo 115 giảng viên đại học về KN - ĐMST. Mặt khác, tỷ lệ khởi nghiệp trong doanh nghiệp ở TPHCM cao hơn so với mức trung bình của Việt Nam và đang có xu hướng tăng lên. Đơn cử, nếu năm 2013 tỷ lệ khởi nghiệp ở mức 2% thì đến năm 2017 đã tăng lên 2,7% (so với mức 0,6% của cả nước năm 2017). Còn theo kết quả khảo sát về chỉ số khởi nghiệp TPHCM theo phương pháp GEM (Global Entrepreneurship Monitor) năm 2017, trong 12 chỉ số về hệ sinh thái khởi nghiệp TPHCM, có 3 chỉ số được đánh giá cao nhất là văn hóa và chuẩn mực xã hội, năng động của thị trường nội địa, cơ sở hạ tầng. Một vài chỉ số được đánh giá kém như tài chính kinh doanh, chuyển giao công nghệ, giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông...
Đặc biệt, vừa qua SIHUB đã ký kết ghi nhớ hợp tác với rất nhiều tổ chức, đối tác của các hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và các tập đoàn lớn trên thế giới. Trong đó, có thể kể đến SIHUB ký với Tập đoàn Bosch về chương trình Liên minh chiến lược phát triển hệ sinh thái ngành mạng lưới vạn vật kết nối- IoT; Unicef (chương trình giáo dục kỹ năng thế kỷ 21 cho thanh thiếu niên); Quest Venture (chương trình thiết lập và phát triển hệ sinh thái đầu tư khởi nghiệp); Kaizen Accelerator (chương trình liên minh chiến lược phát triển hệ sinh thái ngành Blockchain & Công nghệ tài chính số).
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB, cho biết sau khi hoàn thành giai đoạn 1 - giai đoạn xây dựng và kiến tạo, SIHUB đã chuẩn bị tiềm lực và chiến lược đến năm 2020 để bước sang giai đoạn 2 của hệ sinh thái KN - ĐMST là giai đoạn hội nhập toàn cầu. Với chiến lược này, SIHUB hướng đến việc trở thành cổng kết nối chính thức giữa hệ sinh thái KN - ĐMST Việt Nam và thế giới, đưa Việt Nam trở thành trung tâm KN - ĐMST của khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, SIHUB đặt ra mục tiêu tập hợp được các nguồn lực trong nước và quốc tế, cùng nhau giải quyết câu chuyện then chốt phát triển kinh tế Việt Nam bằng thay đổi nhận thức. Trong đó, tập trung triển khai các giải pháp và quyết tâm hội nhập quốc tế, hành động bằng trí tuệ, sáng tạo… để tạo được những bước chuyển mình, lan tỏa cảm hứng KN - ĐMST và đồng hành với DN, cộng đồng khởi nghiệp. Đặc biệt, SIHUB kết nối và xây dựng hệ sinh thái KN - ĐMST, thành lập ban điều hành hệ sinh thái cho 4 ngành kinh tế trọng điểm là công nghệ thông tin và truyền thông, chế biến lương thực - thực phẩm, cơ khí - tự động hóa, nhựa - cao su - hóa dược.