Gương mặt chính trị nữ ấn tượng của thành phố hơn 30 năm là một phụ nữ không có bề ngoài sắc sảo nhưng điều làm nên ấn tượng ở chị là tấm lòng, sự trung trinh, nếp sống giản dị, biết lắng nghe, biết chia sẻ và đồng cảm nhanh với mọi ưu tư, niềm vui lẫn nỗi khốn khó của người dân. Đó là chị Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM gần 8 năm liền và là đại biểu Quốc hội suốt 15 năm. Trong mắt cử tri TP, chị là cây cầu nối ngắn nhất để họ trao gửi những tâm tư nguyện vọng đến với Đảng, Nhà nước.
Người làm chính trị không được phép mơ màng
Bị lộ khi hoạt động công khai và do yêu cầu công tác, ba mẹ cô bé Phạm Phương Thảo phải thoát ly vào cứ. Chưa đầy 10 tuổi, bé Thảo được chuyển ra sống ngoài khu phố chợ Bạc Liêu với người bạn của ba mẹ. Sống chung với những người lao động, cũng trong khu chợ ồn ào sáng đêm ấy, bao cảnh đời lầm than cơ cực đã làm cô bé Thảo hiểu hơn về khoảng cách giàu nghèo - một khoảng cách đáng ghét khi Thảo nhìn cảnh các phú ông hành hạ những đứa bé trạc tuổi cô làm thuê cho họ. Lý tưởng cách mạng được nuôi dưỡng từ những hình ảnh đời thực ấy trong lòng cô bé mãi đến sau này.
19 tuổi, Phạm Phương Thảo là Bí thư Thị đoàn Bạc Liêu rồi làm Trưởng ban Thiếu nhi Tỉnh đoàn Sóc Trăng. Tháng 7-1975, Phạm Phương Thảo được Trung ương Đoàn điều về làm cán bộ chuyên trách Ban Thiếu nhi của Trung ương Đoàn.
Tháng 11-1976, Bí thư Thành đoàn TPHCM Phạm Chánh Trực nghe tiếng “chị phụ trách Phạm Phương Thảo” nên gửi công văn đề nghị chị giúp tổ chức Đại hội Thiếu nhi toàn thành và Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ TPHCM lần thứ 1. Đại hội thành công tốt đẹp. Anh Phạm Chánh Trực xin Trung ương Đoàn cho chị về công tác tại TPHCM. Năm 1977, chị là Phó Bí thư Thành đoàn phụ trách thiếu nhi. Những năm ấy, phong trào thiếu nhi TPHCM đạt đỉnh cao nhất về cả chất và lượng. Năm 1984, chị là Bí thư Thành đoàn TPHCM và đại biểu HĐND TPHCM. Sau đó chị là Bí thư Trung ương Đoàn. Từ 1992, chị chuyển về TP và giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng: Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy, Phó đoàn rồi Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Dù ở vị trí công tác nào, chị cũng luôn đặt chữ tâm và chữ tầm ở cạnh nhau trong công việc và trong ứng xử đời thường. “Xây để chống”, đó là phương châm hành xử công việc của chị suốt mấy chục năm qua. Chẳng thế mà khi là Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TPHCM, chị đã gợi ý Hội Nhà báo TP trao giải thưởng báo chí viết về điển hình nhân tố mới. Đến nay, giải trên đã thuộc hệ thống giải báo chí hàng năm của Hội Nhà báo TP.
Nghe những lời nhận xét rằng chị là người khá lãng mạn, không có vẻ lạnh lùng, cứng rắn của người làm chính trị, chị nói ngay: “Nếu thế hệ cha, chú ta không mơ đến một chế độ xã hội XHCN thì sao có lý tưởng đẹp để vượt qua gian khổ, chiến đấu đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước; không mộng đến cảnh hùng vĩ với núi rừng sáng trưng ánh điện, với tiếng sóng ầm ào làm sao có đủ nghị lực vượt bao gian khó để làm nên đường dây 500kV, để xây Nhà máy thủy điện Yaly, Hòa Bình, Trị An… Nhưng người làm chính trị không được phép mơ màng, tưởng tượng chung chung…”.
Để minh chứng, chị kể chuyện ngày nhỏ học leo cây hái dừa. Sau bài học “nhập môn” về cách leo cây, do nhẹ cân lại lanh lẹ nên cô bé Thảo dễ dàng hái những chùm dừa tít trên ngọn cao. Đến lúc hái xong, cô lại không biết cách trèo xuống. Những tàu lá dừa đong đưa trong cơn gió chiều quật mạnh như muốn quăng cô xuống đất. “Tuột xuống đi, ở trển lát chóng mặt rớt tòm xuống là chết đó”. “Ôm cây, kẹp hai chân, tuột từ từ…”. Chóng mặt, sợ hãi, cô chẳng nghe được gì và cũng chẳng biết cách điều khiển được chân tay nữa, cô đành ôm cứng thân dừa, mắt nhắm chặt và rơi tuột xuống đất với cái bụng tóe máu trong con mắt hãi hùng của bè bạn và sự xót xa của bà con. Phải học cách “xuống” an toàn trước khi “leo” lên cao, đã trở thành kinh nghiệm xương máu và đó cũng là cách lý giải một phần của sự thành công khi xây dựng các kế hoạch hoạt động sau này của chị.
Tháo ngòi nổ bằng trái tim
Đám đông tụ tập giữa đường Lê Duẩn nhiều ngày liền khi nghe tin Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton sắp đến TPHCM. Trời nắng gắt. Chị phụ nữ đi chiếc xe cúp màu xanh xà vào đám đông mời mọi người uống nước suối mà chị vừa mang đến. Đám đông, người uống người không và họ bắt đầu cất tiếng nặng nề, chì chiết, đắng cay... Chị nghe chăm chú nhưng vẫn kịp đưa tay cài hộ người mẹ chiếc nút áo ở bụng vừa bung do bà huơ tay quá trớn khi nói lớn tiếng. Nắm bàn tay nhăn nheo một mẹ già có vẻ mệt vì say nắng, chị hỏi tuổi, chuyện nhà, chuyện con cháu...
Một lát sau, đoàn người ấy cảm thấy như đã quen biết, thân thiết với chị phụ nữ này từ lâu. “Ai cũng có công chuyện làm ăn, con cháu đợi chờ ở quê nhà; cán bộ nào sai thì kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn nhưng kiện đúng nơi, đúng chỗ kìa. Gian khổ lắm dân mình mới giành thắng lợi trong cuộc chiến với Mỹ, mình phải giữ thể diện quốc gia chớ. Người thân của nhiều cô, chú đã hy sinh giành độc lập cho quê nhà thấy cảnh này chắc họ đau lòng lắm…”, chị phân tích nhẹ nhàng.
Chiều vừa tắt nắng. “Thôi, tui dìa, cô này nói phải chớ. Mình đấu tranh với cán bộ của mình sao lại đi banh áo cho người ngoài coi cái bụng bực bội của mình chớ”. “Tui cũng dìa thôi, con Sáu dưới nhà cằn nhằn hổm rày than má làm chuyện “ruồi bu” khiến nó mắc cỡ với học trò của nó…”.
Chị lý giải, những năm tháng sống với bà con nông dân nên chị hiểu tính ý, biết lòng dạ thủy chung của bà con với Đảng nhưng do hiền lành cả tin nên dễ bị bọn xấu giựt dây làm bậy. “Mình nói đúng ý là bà con hiểu ngay. Quan trọng là thái độ tiếp dân và cách giải thích, một bó lý không bằng một tí tình là vậy”, chị tâm sự.
* Có thể nói, gần hết cuộc đời làm việc của mình, chị cố gắng thực hiện những tâm nguyện của nhiều tầng lớp nhân dân trao cho, càng nhiều càng tốt. Chương trình truyền hình trực tiếp Nói và làm do chị với cương vị Chủ tịch HĐND TPHCM góp phần khởi xướng chính là cầu nối để thực hiện điều đó. Thông qua chương trình này, người dân có thể nêu trực tiếp điều họ bức xúc và lãnh đạo các ban, ngành, chính quyền phải “hứa” công khai giải quyết với dân. Sau đó, chính cử tri sẽ giám sát việc thực hiện lời hứa ấy. Chương trình là nơi để lắng nghe và giải quyết nhanh nhất những tâm nguyện của cử tri trao gửi cho chị và các đại biểu HĐND TPHCM trong những năm gần đây. 3 câu hỏi với Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo - Chị quan niệm như thế nào về người phụ nữ hiện đại? Người phụ nữ hiện đại theo tôi là người không chỉ có thể chủ động sắp xếp cuộc sống riêng mà còn có thể chủ động thực hiện hoài bão, ước mơ của mình và biết chia sẻ nỗi khó khăn của đồng loại bằng trái tim nhân ái. Hiện nay số phụ nữ có lối sống hiện đại đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế nước nhà, tạo cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng và là một trong những nhân tố đóng góp vào sự phát triển xã hội một cách bền vững. - Để thực hiện tốt nhiệm vụ và thiên chức người phụ nữ, chị giải quyết việc thiếu thời gian của mình như thế nào? Lúc tôi còn làm Phó Chủ tịch UBND TPHCM, do yêu cầu công việc, tôi đi học thêm Đại học Luật, Đại học Ngoại ngữ ngoài giờ. Khi ấy tôi đã ước có 36 giờ/ngày để giải quyết chu đáo mọi việc nhưng một ngày thực tế chỉ có 24 giờ. Tôi phải nỗ lực thật nhiều và thật may mắn là tôi luôn được gia đình hỗ trợ và chia sẻ. Mỗi tuần tôi vẫn tự tay nấu món ăn mà các thành viên gia đình ưa thích. Sáng tôi đi bộ mua đồ ăn sáng cho gia đình, đó cũng là cách tập thể dục. Chiều về, có khi tôi đi bộ từ cơ quan về nhà, qua một số nơi để kiểm tra lại thông tin mà dân cung cấp. Chủ nhật, tôi tự đi chợ để nấu ăn cho gia đình. Nhưng nhiều khi buổi đi chợ kéo dài hơn dự định vì bà con giữ lại để thổ lộ bức xúc của mình về vấn đề gì đó… - Người ta hay nói: Đằng sau một người đàn ông thành đạt bao giờ cũng có bóng dáng của người phụ nữ; vậy đằng sau sự thành đạt của chị là ai? Gia đình lớn và gia đình nhỏ của tôi. Cha mẹ tôi, chồng con tôi không chỉ là nơi nương tựa vững chắc mà còn là bóng râm chở che tôi những khi tôi gặp gập ghềnh trắc trở trong công việc và là bệ đỡ giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ suốt bao năm qua. Gia đình với tôi luôn là nơi êm ả, bình yên nhất mà tôi muốn quay về sau mỗi ngày làm việc vất vả. |
Phạm Thục