Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phản ánh đúng thực trạng hoạt động

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 15-9, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đã báo cáo kết quả giám sát về hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 12-2014, trên cơ sở giám sát tại 8 tỉnh, thành phố và qua báo cáo của 55 tỉnh, thành phố.

(SGGP).- Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 15-9, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đã báo cáo kết quả giám sát về hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 12-2014, trên cơ sở giám sát tại 8 tỉnh, thành phố và qua báo cáo của 55 tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo, thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội, HĐND ở 3 cấp đã tiến hành 2 lần lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp giữa năm 2013 và kỳ họp cuối năm 2014 đối với những người do HĐND bầu. Công tác lấy phiếu tín nhiệm được HĐND các tỉnh, thành phố chuẩn bị và thực hiện chu đáo, thận trọng, nghiêm túc, đảm bảo quy trình, thủ tục và nguyên tắc tập trung dân chủ. Cụ thể, năm 2014, có 812 người được HĐND lấy phiếu tín nhiệm. Đại biểu có tỷ lệ số phiếu “tín nhiệm cao” đạt từ 50% trở lên có 621 người (chiếm 76,48%); đại biểu có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% có 1 đại biểu (chiếm 0,1%). Không có đại biểu có tỷ lệ tín nhiệm thấp trên 50% ở hai lần liên tiếp. Qua lấy phiếu tín nhiệm, một số chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần sau đạt kết quả cao hơn lần trước, song cũng có một số chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần sau đạt kết quả thấp hơn. Theo đánh giá của các địa phương, kết quả lấy phiếu đã phản ánh đúng thực trạng hoạt động của bộ máy nhà nước ở địa phương, năng lực thực tiễn, sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Tổng hợp những đề xuất kiến nghị của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thực tế giám sát tại các địa phương, đoàn giám sát đưa ra hàng loạt kiến nghị quan trọng. Theo đó, đoàn kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND, trong quá trình chuẩn bị nhân sự HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo HĐND cấp tỉnh có một Phó chủ tịch HĐND tham gia ban thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND còn lại và trưởng các ban của HĐND (nếu hoạt động chuyên trách) tham gia cấp ủy; bố trí tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, tăng số lượng đại biểu ở khối Đảng, đoàn thể; giảm đại biểu ở khối cơ quan hành chính. Với Quốc hội, đoàn giám sát đề nghị bổ sung vào Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nội dung: “Tổ đại biểu HĐND là chủ thể giám sát”, đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể giám sát, hậu quả pháp lý sau giám sát. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về việc thành lập, quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đối với Văn phòng HĐND cấp tỉnh, để thống nhất thực hiện trên toàn quốc, đồng thời có hướng dẫn về việc phân bổ biên chế của địa phương khi tăng đại biểu HĐND chuyên trách ở cấp tỉnh, cấp huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

* Cùng ngày, cho ý kiến về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, nhiều ý kiến trong UBTVQH nhấn mạnh yêu cầu sắp xếp chương trình khoa học, tiết kiệm thời gian, nhưng không vì “ép” tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng các dự án luật. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 khoảng 31 ngày (không kể các ngày nghỉ), khai mạc vào ngày 20-10 và dự kiến bế mạc vào ngày 26-11-2015. Đặc biệt, ngoài các nội dung theo thông lệ, tại kỳ họp thứ 10, các vị đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nội dung này được thảo luận ở đoàn đại biểu, sau đó tổng hợp, báo cáo chung. Quốc hội cũng sẽ bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng thư ký Quốc hội; phê chuẩn Phó Chủ tịch và ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia và quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND các cấp…

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục