Kết tinh sức mạnh cả dân tộc

Trên thế giới, tục thờ cúng tổ tiên không phải là đặc hữu của dân tộc nào, tuy nhiên từ thờ cúng tổ tiên của từng gia tộc để trở thành tục thờ cúng Quốc tổ của quốc gia dân tộc Việt Nam thì đó là hiện tượng hãn hữu. Tín ngưỡng này bắt nguồn từ những huyền thoại từ thời sơ sử dần dần được định hình trong quá trình tồn tại và phát triển của quốc gia phong kiến Đại Việt. Đấy cũng là quá trình tổ tiên ta vun đắp và xây dựng cho một hệ ý thức Việt Nam, một hệ ý thức được thể hiện qua các huyền thoại, truyền thuyết “18 đời các vua Hùng - con người có tổ có tông”, “Ông Gióng” - 3 tuổi vươn mình chiến thắng giặc ngoại xâm”, “Sơn Tinh Thủy Tinh - con người chiến thắng sự tàn phá của tự nhiên”… Ý thức hệ này đã kết tinh sức mạnh của cả một dân tộc, giúp chiến thắng mọi kẻ thù và giữ vững nền độc lập.

Tín ngưỡng Hùng Vương đã trở thành một kết nối lịch sử, vượt lên trên mọi thời đại và triều đại tồn tại và phát triển cho đến hôm nay. Đó chính là thứ văn hóa chính trị đích thực, độc đáo và rất đáng tự hào, gìn giữ và tôn vinh!

Các nhà nghiên cứu đã có 2 đợt tổng kiểm kê tư liệu tại hơn 200 di tích quanh khu vực đền Hùng, cùng nhiều đợt điều tra thu thập tư liệu trong và ngoài nước về tín ngưỡng độc đáo này. Đó không phải là tín ngưỡng của riêng một địa phương mà là của chung cả đất nước. Trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam có tới 1.417 địa điểm di tích thờ cúng các vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương, riêng Phú Thọ có 181 di tích thờ các vua Hùng. Như thế, đã từ hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, trên địa bàn Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã là một đặc trưng trong tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam và ăn sâu vào máu thịt của từng người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng với truyền thuyết cùng sinh ra từ một bọc trăm trứng nặng sâu tình nghĩa “đồng bào”.

Từ nhiều thế kỷ trước, người Việt đã xem việc thờ cúng tổ tiên là một nghi lễ lớn trong trời đất. Rồi từ đó, các dòng họ, các gia đình trông vào đó mà làm theo để thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân. Trải qua nhiều thế kỷ, nhiều triều đại, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cho đến ngày hôm nay vẫn được các con cháu vua Hùng xem như một tập tục tốt đẹp của cả dân tộc. Vừa để giáo dục cháu con phải biết “con người có tổ có tông”, vừa để cho các quốc gia lân cận biết rằng đất nước được các vua Hùng tạo dựng từ thuở xa xưa vẫn luôn luôn được các thế hệ con cháu gìn giữ trong một khối thống nhất vẹn toàn. “Con người có tổ có tông”, nếu mỗi gia đình đều có cha mẹ, có tổ tiên, ông bà thì đất nước, quốc gia cũng có cha Rồng, mẹ Tiên, có Quốc tổ Hùng Vương. Dân gian có câu “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Đây là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên hệ ý thức Việt Nam từ buổi đầu của thời kỳ hình thành một quốc gia phong kiến tự chủ. Từ đó kết tinh thành huyền thoại, truyền thuyết, những ký ức lịch sử, thành một giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa, nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Mỗi năm cứ đến ngày 10-3 Âm lịch, hàng chục triệu người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước lại hành hương về với đất Tổ, đó là con số gây xúc động. UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thêm một lần nữa khẳng định giá trị của di sản quý báu của dân tộc Việt Nam là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần uống nước nhớ nguồn. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận cũng góp phần khích lệ nhận thức về lòng biết ơn tổ tiên ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như nhận thức chung về tôn trọng đa dạng văn hóa trong cộng đồng.

Việc sáng tạo nên biểu tượng cội nguồn và việc tôn thờ như một tín ngưỡng, trải qua hàng ngàn năm đến nay, thật sự là một kết nối lịch sử, vượt qua rào cản của các triều đại phong kiến, vượt lên trên sự khác biệt của các chế độ xã hội; vượt qua cả sự khác biệt tôn giáo, dù đó là Phật, Đạo, Nho, các tín ngưỡng dân gian... để chỉ có biểu tượng cội nguồn là duy nhất. Đây thật sự là giá trị văn hóa chính trị đích thực, vượt lên trên mọi thời đại và triều đại. Tất cả những điều này, từ việc xây dựng biểu tượng cội nguồn vua tổ Hùng Vương đến những thực hành tín ngưỡng văn hóa thờ phụng, rất cần được nhân dân ta tự hào, gìn giữ và tôn vinh.

Trong thời điểm chủ quyền đất nước và tinh thần đoàn kết, tự cường dân tộc đang ngày càng được các quốc gia trên thế giới xem trọng như hiện nay, việc UNESCO vinh danh tục thờ cúng tổ tiên của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại lại càng khiến con cháu Lạc Hồng thêm tự hào vì truyền thống hiếu kính tổ tiên của mình.  

GS NGÔ ĐỨC THỊNH
Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng VN

Tin cùng chuyên mục