Trong tình hình kinh tế khó khăn, để tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp (DN), TPHCM đã công khai các dự án kêu gọi đầu tư cùng nhiều chính sách ưu đãi để DN lựa chọn. Cùng với chính sách kích cầu đầu tư của nhà nước, TPHCM còn có những ưu đãi riêng dành cho một số dự án nhằm đạt được mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa TP phát triển đúng hướng…
Chính sách tốt
Là một trung tâm kinh tế của cả nước, hơn 180.000 DN đăng ký kinh doanh trên địa bàn TPHCM cũng gặp không ít khó khăn. Do vậy, bên cạnh những chủ trương hỗ trợ DN của Chính phủ, TPHCM cũng triển khai thực hiện một số chương trình tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho sự phát triển của DN. Qua đó, xây dựng cả về chính sách ngắn hạn lẫn dài hạn cho sự phát triển chung của TP.
Cụ thể, TP tiến hành quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo thuận lợi cho DN về mặt bằng sản xuất kinh doanh; thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng nhằm giảm bớt căng thẳng về vốn cho DN; tổ chức Chương trình Vườn ươm DN với nhiều hoạt động hỗ trợ các nhà nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm khoa học và chuyển giao công nghệ; Triển khai Chương trình Thương mại điện tử nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao dịch thương mại ứng dụng công nghệ thông tin.
TP cũng thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thông qua các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và hàng xuất khẩu nhằm định hướng đầu tư phù hợp với quy hoạch của TP. TP cũng công khai danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, hạn chế việc móc nối, ưu ái, tiêu cực ở một số cán bộ công chức có thẩm quyền.
TP cũng chú trọng các điều kiện tiện ích khác bằng cách công khai các thủ tục hành chính về thành lập doanh nghiệp, đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư. Thực hiện “4 công khai”: công khai trình tự, thủ tục - công khai hồ sơ biểu mẫu - công khai thời gian cấp đăng ký và công khai lệ phí. Vì vậy, nhà đầu tư và DN có thể trực tiếp kiểm tra quá trình thực hiện, nhà đầu tư phát hiện nhân viên nào làm sai, có thể phản ánh thông qua hộp thư góp ý hoặc phản ánh trực tiếp với lãnh đạo thông qua hệ thống đối thoại chính quyền thành phố” - ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, nói. Các cơ quan chức năng của TP cũng thường xuyên mở các lớp đào tạo cho DN những kiến thức về pháp luật và kỹ năng kinh doanh…
Và ưu đãi đầu tư...
Vẫn với mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, những ngành có hàm lượng khoa học công nghệ, chất xám cao, TP khuyến khích các DN đầu tư vào một số lĩnh vực nhằm phát triển sản xuất công nghệ cao, vào y tế, giáo dục, xử lý chất thải, nước thải… bằng cách cho vay vốn để thực hiện dự án. Bảo đảm khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Trong đó, 9 nhóm ngành dịch vụ được ưu tiên phát triển gồm: tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục - đào tạo.
TP cũng khuyến khích phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao: cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm và các ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phụ trợ. Đầu tư hiện đại hóa ngành xây dựng sử dụng vật liệu mới, ứng dụng công nghệ xây dựng hiện đại; nâng tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng cao hơn tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp.
Trong nông nghiệp, TP tập trung phát triển nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống chất lượng cao. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... phát triển các đề án nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản thực phẩm; hỗ trợ các chương trình khuyến nông, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
|
CHẾ HÂN