Khắc nghiệt thị trường sách

Tuần qua, một vấn đề không mới, thậm chí rất cũ nhưng vẫn đầy tính thời sự được nhắc đến, đó là thu nhập thực tế của tác giả viết sách hiện nay, nhất là những tác giả văn học. Về cơ bản hiện nay, cơ cấu giá bìa của một cuốn sách có 10% cho tác giả, khoảng 10% - 20% cho nhà xuất bản (NXB), 10% - 20% cho các chi phí in ấn, vận chuyển… và phần còn lại 40% - 50% thuộc về nhà phát hành. Đó là sách kế hoạch A (do NXB thực hiện), còn sách kế hoạch B (liên kết) chỉ khác biệt ở vấn đề quản lý phí, nhuận bút, nhưng các khâu in ấn, phát hành cũng giống như ở sách kế hoạch A.

Nhìn vào cơ cấu này, cảm giác đầu tiên của rất nhiều người hẳn nghĩ rằng phát hành sách hiện hưởng mức phí quá cao, chiếm tới hơn phân nửa giá bìa sách. Trên thực tế đây lại là một con số bình thường đối với hoạt động xuất bản trên thế giới. Đơn cử như tại Đức, các nhà phát hành lớn cũng lấy từ 50% - 60% so với giá sách.

Vậy thực tế mức chiết khấu phát hành 40% - 50%, thậm chí có khi 60% là cao hay thấp? Phải chăng vì phí phát hành cao như thế nên mới đội giá sách lên cao, bạn đọc khó mua sách và làm giảm nhuận bút? Đối với một số tác giả, có vẻ đúng là như vậy. Có tác giả cho rằng nhà phát hành chỉ trưng bày sách và bán, nếu bán không được thì chỉ cần trả lại cho tác giả, NXB là xong, họ chẳng mất gì mà vẫn ung dung hưởng lợi lớn.

Thế nhưng, mọi việc không đơn giản như vậy. Dù rằng được xem là một loại hàng hóa đặc biệt, có giá trị to lớn với sự phát triển của con người, nhưng nó cũng phải chịu những quy luật thị trường giống như mọi loại hàng hóa khác. Và giống như các nhà phân phối hàng hóa khác, để hưởng mức phí đó, các nhà phát hành sách cũng không thuần túy “bày bán” như trong suy nghĩ của một số tác giả. Như Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa), đơn vị phát hành lớn nhất nước hiện nay, với hệ thống 73 nhà sách trải dài ở gần như toàn bộ 63 tỉnh, thành trên cả nước, cũng là một trong những đơn vị lấy phí phát hành cao nhất, thủ tục nghiêm khắc nhất, vấn đề thanh toán cho tác giả phức tạp nhất… Thế nhưng, vì sao các NXB, tác giả vẫn xem đây là lựa chọn số một để phát hành sách của mình?

Không những thế, một trong những yếu tố quan trọng nhất của phát hành là quy mô. Ở mỗi địa phương, nhu cầu đọc sẽ có những giới hạn, đặc điểm khác nhau nên nếu đơn vị phát hành càng có nhiều nhà sách ở nhiều địa phương, họ càng dễ phân phối sách theo nhu cầu từng nơi. Cuốn sách này thị trường miền Trung mua nhiều thì rót nhiều bản sách về các nhà sách ở miền Trung, cuốn kia ở đồng bằng sông Cửu Long bán được thì chuyển sách về nơi này nhiều… Đây là điều mà các nhà phát hành nhỏ không thể làm được nên chỉ có thể tập trung vào các đầu sách ở khu vực họ phát hành ưa chuộng.

Hiện nay, nếu xét về sự đa dạng sách, quy mô nhà sách cũng như quy mô phát hành sách và đặc biệt là khả năng bán được nhiều sách thì Fahasa là đơn vị lớn nhất cả nước. Nhìn dưới góc độ phát hành, họ là đơn vị có khả năng cung cấp dịch vụ phân phối tốt nhất. Để làm được như vậy đòi hỏi chi phí rất cao và dĩ nhiên để sách được bán trong hệ thống phát hành này, người làm sách cũng phải chấp nhận trả số tiền chiết khấu xứng đáng.

Vậy có thể giảm chiết khấu phát hành và việc giảm chiết khấu phát hành có giúp giảm giá sách hay không? Thực tế hiện nay chứng minh điều này là hoàn toàn có thể, thậm chí nhiều nhà phát hành đã làm như vậy để cạnh tranh với các “ông lớn” trong lĩnh vực phát hành. Trên thị trường đã xuất hiện không ít nhà sách kiểu này với đặc trưng dễ nhận thấy nhất là bán sách với giá giảm 20% - 30%. Thế nhưng, giảm chiết khấu đồng nghĩa giảm chi phí đầu tư cho hệ thống phát hành và kết quả đây đều là những nhà sách có quy mô nhỏ, chủ yếu bán sách theo chủ đề như văn học, lịch sử, tôn giáo, thiếu nhi…, không thể so sánh với sự đa dạng như ở các nhà phát hành lớn. Đó cũng là lý do vì sao dù sách bán rẻ nhưng các nhà phát hành có chiết khấu thấp này vẫn không thể thu hút bạn đọc bằng các nhà phát hành lớn.

Như vậy, thị trường sách hiện nay dù vẫn còn rất nhiều vấn đề phải bàn nhưng về cơ bản là đang vận hành đúng quy luật thị trường. Để được phát hành ở phạm vi cả nước, trong các nhà sách quy mô và hiện đại, được lượng bạn đọc lớn chú ý thì người làm sách, tác giả phải chấp nhận chi phí chiết khấu cao. Nếu muốn chiết khấu thấp, tác giả, người làm sách có thể chọn các nhà phát hành nhỏ, quy mô ít và dĩ nhiên sách sẽ bán chậm.

Bản chất của tình trạng giá sách cao, thu nhập nhà văn thấp ở Việt Nam hiện nay thực ra nằm ở chỗ sách, đặc biệt là sách văn học, có lượng in quá thấp. Trung bình mỗi tác phẩm chỉ được in từ 2.000-5.000 bản, lên đến 10.000 bản đã được xem là hiện tượng. Với số bản in như vậy, không có gì lạ khi nhà văn không thể sống được với nghề. Nhưng làm thế nào để có tác phẩm được bạn đọc đón nhận, có lượng sách in cao lại là một vấn đề khác đòi hỏi sự chung tay của nhiều người, nhiều đơn vị như các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với lĩnh vực in ấn (ưu đãi giá giấy, mực in), đầu tư cho sáng tác ở các hội chuyên ngành, đào tạo đội ngũ nhà văn trẻ… Và dĩ nhiên, quan trọng nhất là bản thân các tác giả với những nỗ lực, trui rèn tự thân để có những tác phẩm hay, được bạn đọc đón nhận.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục