Hãng tin AP của Mỹ ngày 24-5 đăng bài báo của phóng viên Ben Stocking về hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam. Ông Ben Stocking đã gặp gỡ một số nạn nhân chất độc da cam tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, thuộc tỉnh Quảng Trị.
Trong bài viết của mình, Stocking nhận định, 35 năm sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, chất độc da cam vẫn là vấn đề gây mâu thuẫn giữa hai nước Việt - Mỹ. Cuộc khảo sát do GFk Poll thuộc hãng tin AP tiến hành gần đây cho thấy, 82% người dân Việt Nam cho rằng Mỹ nên làm nhiều việc hơn để giúp đỡ những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, trong đó có nhiều trẻ em bị dị tật.
Sau chuyến thăm VN của Tổng thống G.W. Bush vào năm 2006, Quốc hội Mỹ đã đồng ý thông qua 9 triệu USD để giải quyết hậu quả môi trường do chất độc da cam để lại. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cho rằng, Mỹ cần đưa ra những cam kết trợ giúp lớn hơn.
Cho đến nay, Mỹ cung cấp 6 triệu USD để giải quyết hậu quả về môi trường và sức khỏe các nạn nhân là chưa thỏa đáng. Ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng: “6 triệu USD không là gì nếu so sánh với những hậu quả của chất độc da cam”.
Trong lúc Việt Nam nói rằng có 4 triệu người dân đang bị phơi nhiễm và 3 triệu người đang hứng chịu những căn bệnh nặng nề do chất độc da cam thì Chính phủ Mỹ lại cho rằng, số người bị ảnh hưởng ở mức thấp.
Ben Stocking viết: “Mỹ chỉ chi một lượng nhỏ để hỗ trợ các nạn nhân chất độc tại Việt Nam. Năm ngoái, Mỹ dành hơn 80 triệu USD để phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, nhưng đối với chất độc da cam con số này chỉ dừng ở mức 3 triệu USD. Liên minh của một nhóm tổ chức phi lợi nhuận do Ford Foundation (Quỹ Ford) đứng đầu, hiện đang chi nhiều hơn số tiền mà chính phủ Mỹ hỗ trợ Việt Nam.
Theo một phép tính, để làm sạch 3 địa điểm từng là kho chứa chất độc da cam: Đà Nẵng, Phù Cát (Bình Định), Biên Hòa số tiền đã lên tới 40 triệu USD. Hơn 2/3 số tiền hỗ trợ của Mỹ được dùng để làm sạch môi trường ở khu vực Đà Nẵng và chỉ có 2 triệu USD để giúp đỡ những nạn nhân gặp vấn đề sức khỏe tại khu vực này”.
T.HẰNG