
Thợ học việc của các tiệm tóc ở TPHCM thường có “thói quen” xách kéo, mang tông-đơ vào từng ngõ hẻm cắt tóc miễn phí cho mọi người để… luyện tay nghề. Giới sinh viên trẻ trung vốn dễ tính, thích cái mới, hay thay đổi, thích được F5 (làm mới mình, một kiểu nói theo kiểu phím gõ tắt trên keyboard máy tính) qua những kiểu tóc mới nhất và họ trở thành đối tượng để thợ cắt tóc làm “luận văn tốt nghiệp”. Thợ thì nhanh thành nghề, còn các cô cậu sinh viên thì được cắt tóc, tạo kiểu tóc miễn phí, còn sự hợp tác nào ý nghĩa hơn!
- Làm việc nghĩa, nâng tay nghề

Lê Công Hân và Nim Chí Đức đang luyện nghề ở ký túc xá ĐHQG TPHCM
Anh Lê Công Hân, sinh năm 1980, đã là thợ chính của tiệm Hoàng Hà (quận 1), nhưng hàng tuần, anh đều cùng bạn bè khoác ba lô đến các ký túc xá cắt tóc miễn phí cho sinh viên. Hơn 2 năm nay, anh có mặt khắp các ký túc xá, cắt miễn phí trên 1.000 mái tóc.
Mồ hôi nhễ nhại, tóc vụn vương đầy trên mặt, cổ, tay chân, anh Hân tâm sự, học cắt tóc thì phải học cả đời cũng không… hết.
Hàng năm, thời trang tóc đều có những mốt mới, khi nước mình du nhập các bộ sưu tập về, thì rất cần được thực hành và phổ biến tới mọi người. Thực hành trên tóc giả rất đắt mà lại… không thật. Phương pháp tiện ích nhất là những thợ cắt tóc có cơ hội được rèn nghề trên những gương mặt thật, mái tóc thật. Nhất là với những người đang học nghề, được thực hành luôn là điều khao khát và hạnh phúc.
Không hẹn mà “gặp”, các bạn trong nhóm học trò chuyên cắt tóc miễn phí tại các ký túc xá đều có chung một nỗi lo: sợ các bạn sinh viên không tin tưởng - không “đưa đầu cho mình cắt”.
Ban đầu, sinh viên đến với nhóm thường e dè do chưa thật sự tin tưởng vào tay nghề; họ ngồi nhìn nhóm hành nghề, phải thấy sản phẩm ra lò, ưng ý, đẹp rồi mới quyết định “trao” đầu. Có người còn nặng kiểu suy nghĩ “cắt tóc là cắt cho ngắn đi, gọn lại” chứ ít bạn nghĩ cắt tóc là “cắt cho ra kiểu tóc”.
Trước khi cắt, các bạn sinh viên đều được tư vấn cẩn thận để các bạn có được kiểu tóc phù hợp. “Thật ra, nhiều khi chỉ cần tỉa lại cái đuôi tóc, chuốt lại cái mái là các bạn sẽ có mái tóc đẹp liền.
Hiện nay, giới sinh viên đang chuộng các kiểu tóc như: so le 1 tầng, so le nhiều tầng, cá ba đuôi, Victoria (cô nàng Victoria - vợ danh thủ bóng đá D. Beckham - đã để kiểu tóc này nên kiểu tóc đó mang tên nàng), vì các kiểu này khá trẻ trung, năng động”, Hân giải thích.
Trong cái nắng 380C của Sài Gòn, đứng cắt tóc cả ngày với các bạn nam cũng không hề nhẹ nhàng, huống hồ các bạn nữ. Mồ hôi chảy dài trên má nhưng Vương Thị Thùy Linh không ngừng tay kéo cắt cắt, tỉa tỉa. Mắt cô sáng lên mỗi khi có thêm một vị khách, cô đã cắt được 6 mái tóc trong ngày 1-4.
Linh theo đoàn đi cắt tóc miễn phí cho sinh viên từ 7 tháng nay. Điều thú vị là bạn trai của Linh thường tham gia cùng cô, và, chính anh - dù là dân “ngoại đạo”, nay cũng đã trở thành một thợ cắt tóc dạo miễn phí. “Mỗi khi cắt, nếu gặp tình huống khó, tụi mình lại xúm vào tư vấn thêm, hay cùng bàn luận để tìm ra kiểu tóc hợp nhất.
Gặp trường hợp xấu, chúng mình sẽ nhờ thành viên dày dặn nhất đội để “chữa cháy” mái tóc đó. Khi rảnh, chúng mình cũng tự tỉa cho nhau 2 bên “mát” (má), hay sửa cho nhau cái “óp” (gáy) … Nhờ vậy, tụi mình học và rèn nghề rất nhanh” - Linh tâm sự.
- Chung một niềm đam mê
Các thành viên trong nhóm cắt tóc, mỗi người học mỗi nơi, mỗi cảnh khác nhau: Thảo Nguyên quê ở Hà Nội, vào Sài Gòn học nghề tóc, những ngày đi thực hành cùng nhóm là dịp cô va chạm, hiểu hơn lối sống người dân ở TPHCM; Nguyễn Thành Hưng- bạn trai Linh, là chuyên viên của Công ty Vĩnh Nhật Quang (Bình Thạnh), qua những chuyến đi thực tế, lại học được thêm một nghề mới; chị Nguyễn Thị Mỹ Dung có con hơn 1 tuổi nhưng vẫn rong ruổi theo đoàn đi cắt tóc… Nhưng họ đều chung nhau một ước mơ, một đam mê gắn bó với nghề, mong muốn đem lại niềm vui nho nhỏ cho các bạn sinh viên đồng thời vun đắp cho nghề nghiệp tương lai của mình.
Ai cũng có tên riêng nhưng trong lời tạm biệt, lời cảm ơn của sinh viên, họ đều chung nhau một cái tên: “các anh, các chị”. “Các anh, các chị” cũng không thể biết hết tên những vị khách của mình nhưng có một niềm vui khôn tả là mỗi khi gặp đúng “tác phẩm” - mái tóc mình đã cắt, họ - khách và chủ, đều dễ dàng nhận ra nhau.
Tối 1-4, trong lúc đợi chuyến xe buýt về lại thành phố, cả nhóm đã gặp lại bạn Phan Thị Kim Hạnh - sinh viên năm 1, khoa Đông Phương học, Đại học KHXH & NV. Nhờ mái tóc mà họ nhận ra nhau, cả nhóm vui mừng như người thân lâu ngày gặp lại.
Hạnh chia sẻ: “Tụi em muốn ra hiệu cắt tóc cũng phải mất vài chục ngàn đấy. Nữ sinh viên cũng thích làm mới mình, thích làm đẹp lắm chứ nhưng không phải bạn nào cũng có đủ tiền… Bữa nay, em không biết đoàn lại lên Thủ Đức cắt tóc, chứ biết thì em đã đến nhờ các anh chị sửa lại mái tóc đã cắt từ trước Tết cho em rồi”.
Nghe Hạnh liến thoắng mà cả nhóm thợ cắt tóc cười vui, quên đi một ngày mệt nhọc. Đó cũng là món quà quý nhất với những người cắt tóc dạo. Họ đã khắc tên mình sâu vào lòng sinh viên bằng chính những… kiểu tóc.
ĐƯỜNG LOAN