
Khi hỏi về ông Hoàng Văn Nhung ở xóm 2, xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) người trong vùng đều nghĩ ngay đến vị cứu tinh những nạn nhân của rắn độc. Ông đã cứu hàng trăm người thoát khỏi cái chết…
Giữ nghề của ông cha

Ông Hoàng Văn Nhung đang kể lại chuyện chữa rắn cắn
Ông Nhung năm nay 78 tuổi. Hỏi chuyện nhà, ông kể đều đều, nhưng khi đề cập đến chuyện rắn, chuyện chữa rắn cắn, giọng ông bỗng trở nên hào hứng lạ kỳ. Ông bảo, nghề của ông có từ đời ông cố. Theo lời của cha ông kể, ông cố ông trước đây thường lên mạn ngược, tình cờ tìm được cái “duyên” với nghề.
Từ món thuốc của người dân tộc thiểu số truyền cho, ông đã tìm tòi, học hỏi thêm để hoàn thiện các phương thuốc chữa rắn cắn. Nghề chữa rắn cắn được truyền cho những đứa con.
Ông Nhung được truyền lại nghề năm 14 tuổi và có thể chữa được vết thương của rắn cực độc như: hổ chúa, hổ phì, nẹp nống (đen trắng), lục, mổ cò... Ông cho biết: “Người bị các loại rắn này cắn, nếu còn cạy được miệng cho thuốc vào thì khả năng cứu sống là chắc chắn. Bước này quan trọng lắm, chỉ cần đổ được 1/4 chén thuốc (cỡ chén uống trà) là an tâm…”.
Phương thuốc của ông là, sau khi biết loại rắn, ông lấy thuốc có sẵn, sau đó ra vườn chọn thêm các loại lá khác, rửa sạch, giã nhỏ và hòa với… nước giếng cho nạn nhân uống, bã thì đắp lên vết cắn. Mỗi ca, nếu nặng ông lấy 100.000đ, nhẹ hơn thì 30.000-40.000đ, người nghèo thì khỏi lấy. Mỗi trường hợp ông đều ghi lại tên tuổi, quê quán, bị rắn gì cắn… “Ghi vậy để nhớ, cũng là cơ sở để… chứng minh, vì tui là người làm nghề nhưng không có bằng cấp mà”, ông Nhung cười.
Phần lớn những người bị rắn cắn được ông Nhung chữa là người trong vùng và các tỉnh lân cận… Có lần, ông cứu một nạn nhân ở tận Đắc Lắc. Người này quê ở Đô Lương vào Đắc Lắc làm ăn, bị rắn lục cắn, nghe tiếng ông Nhung nên về nhờ ông giúp đỡ. Về đến nhà ông thì tay người này đã bị thối... Sau đó anh này được cứu sống.
Cứu người là phúc
Ông Nhung đã cứu chữa cho bao nhiêu người ông cũng không thể nhớ hết, chỉ 5-6 năm trở lại đây, đã có hàng trăm trường hợp được cứu chữa. Ông lật quyển sổ ghi chép đưa chúng tôi xem. Nguyễn Đăng Hướng, 18 tuổi, ở xã Giang Sơn (huyện Đô Lương) bị rắn hổ phì cắn. Người nhà đưa đến ông thì nạn nhân đã suy hô hấp. Lê Ngọc Hùng, 33 tuổi, ở xã Đồng Văn (huyện Thanh Chương) bị rắn đen trắng cắn. Gia đình đưa Hùng vào Bệnh viện Thanh Chương nhưng không chữa được, chuyển qua Bệnh viện Vinh cũng bó tay. Hùng phải thở ôxy, ăn uống bằng đường ống và không nói được. Người nhà mới sực nhớ đến ông Nhung và đưa Hùng tới… cầu may và Hùng được cứu sống.

Một trang ghi chép của ông Nhung về những “người bệnh” của mình
Ông Nhung nhớ nhất một trường hợp cách đây 3 năm. Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Hạ ở xóm 3 xã Hồng Sơn (Đô Lương). Chị Hạ đang mang thai ở tháng thứ 7, bị rắn lục cắn. Đây là trường hợp ông mới gặp lần đầu, vì không chỉ người mẹ, nọc rắn còn ảnh hưởng đến đứa bé trong bụng. Cả nhà chị Hạ mừng đến chảy nước mắt khi cả chị và đứa con được cứu sống.
Hay như trường hợp của bé Nguyễn Văn Bắc con chị Nguyễn Thị Hải ở Giang Sơn (Đô Lương) mới 2 tháng rưỡi. Cháu Bắc bị rắn mổ cò cắn lúc 3g sáng, khi đem đến ông Nhung thì cháu bé bị mê sảng, người tím bầm. Uống 3 chén thuốc của ông, cháu bé đã được cứu sống.
Tâm sự về nghề của mình, ông Nhung bảo: “Trong tất cả các trường hợp bị rắn độc như hổ chúa, hổ phì, mổ cò… cắn mà tôi nhận chữa chưa có trường hợp nào tử vong. Còn rắn cạp nia thì tôi có thể cứu chữa từ 90%-95%”. Ông Nhung có 7 người con (4 trai, 3 gái), trong đó, ông đã truyền lại nghề cho cả 4 người con trai. Ông cười hồn hậu: “Dù thế nào tôi cũng phải truyền lại nghề, phải để các con tôi “lận lưng” nghề của ông cha để lại. Cứu người là cái phúc và là một nhiệm vụ. Tôi tin các con tôi sẽ làm được, thế thôi”.
LÊ DUY CƯỜNG