Phân ngôi khách - chủ

Khách – chủ trong phòng khách

Thông tin liên quan
Khách – chủ trong phòng khách

Khi đi vào giải pháp cụ thể cho việc phân ngôi khách chủ trong một ngôi nhà, phòng khách luôn là điểm dừng đầu tiên bởi đây là không gian đặc trưng nhất cho việc tiếp khách, cũng đồng thời là nơi chịu nhiều áp lực nhất. Cái khó của gia chủ và nhà chuyên môn là làm sao vẫn tạo được sự ấn tượng, đầm ấm mà không ảnh hưởng đến Trường Khí Nội Thất.

  • Từ giày dép đến chỗ ngồi
Khách – chủ trong phòng khách ảnh 1

Hình 1

Một số gia đình có xu hướng “bắt” khách bỏ giày dép trước khi bước vào phòng khách. Dần dần thành phản xạ tự nhiên, khách đến nhà nào cũng luôn sẵn sàng… tháo giày. Nhiều gia chủ lại nói: đi giày luôn đi, nhà dơ lắm! Điều này luôn gây ra hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Phe ủng hộ thì cho rằng, người từ ngoài đường đi vào luôn mang theo nhiều bụi bẩn, bỏ giày dép ở ngoài là tôn trọng gia chủ, là “nhập gia tùy tục”. Những người phản đối thì cho rằng giày dép cũng là một phần trang phục, mang lại sự tự tin và phong cách riêng cho mỗi nguời, nếu bỏ giày dép ra sẽ thấy thiếu trang trọng, từ chủ đến khách dù mặc trang phục nghiêm chỉnh mà lại… đi đất hoặc đi tất (vớ) dù có dùng dép đi trong nhà trông vẫn không đẹp.

Khách – chủ trong phòng khách ảnh 2

Hình 2

Thực ra, việc này nên linh hoạt tùy theo các yếu tố thực tế như vị trí của phòng khách trong cấu trúc nhà, quan hệ thân hay sơ, thời điểm và tính chất buổi tiếp khách… Ví dụ, bạn bè thân thuộc ghé thăm nhau, ở lại chơi lâu thì bỏ giày dép ra vẫn thoải mái hơn. Nhưng các bậc trưởng lão, khách quý ghé thăm thì gia chủ nên… chịu khó lau nhà. Khi có điều kiện, có thể phân ra phòng khách sơ (đặt dưới trệt, cạnh chỗ để xe, thường tiếp khách ghé qua nhanh, tạm thời) và phòng khách thân (có thể dưới trệt nhưng bước lên vài bậc, hoặc đặt trên lửng, trên lầu để tiếp khách lâu, thoải mái và thân tình hơn như trong hình 1).

Khách – chủ trong phòng khách ảnh 3

Hình 3

Vị trí bộ bàn ghế tiếp khách quyết định đến phân ngôi khách chủ. Gia chủ hầu như chiếm lĩnh các vị trí chính yếu trong bộ bàn ghế phòng khách. Hướng ngồi gia chủ tất nhiên nên theo hướng chính của Mệnh Trạch, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo được các yếu tố về Tọa Hướng, như phần lưng có điểm dựa ổn định và cao, gia chủ tránh ngồi ghế không lưng dựa hoặc ngay vị trí người trong nhà đi qua lại (thời xưa hay đặt thêm bình phong làm chỗ dựa về Phong Thủy).

Chỗ ngồi gia chủ cũng cần đảm bảo sự bao quát và điều tiết các sinh hoạt trong gia đình, đều phải thoải mái, không vướng víu. Khi lấy các vật dụng khác như sách báo, bình nước, nghe điện thoại… nên trong tầm kiểm soát, tránh tình trạng… nhờ khách đưa giùm đồ vật của nhà mình. Chủ ngồi kiểm soát được cửa ra vào chính và lối đi lại sau nhà, nhưng không nên thẳng hàng với cửa hoặc các lối đi vì dễ gặp Trực Xung (Hình 2).

Tất nhiên khi gia chủ có tầm quan sát thuận tiện thì những vị trí cho khách sẽ không bằng. Thông thường khách luôn có xu hướng ngồi những chiếc ghế gần cửa ra vào và về phía ngoài do tâm lý dè dặt, ngại đi vào quá sâu trong nhà. Từ vị trí ngồi sẽ suy ra tầm nhìn của gia chủ và khách. tầm nhìn của chủ cần rộng hơn của khách (dĩ nhiên) nhưng tầm nhìn của khách lại cần được hướng vào các vị trí đẹp và trang trọng trọng nhà.

Ví dụ như chủ có thể thấy toàn bộ các cửa ra vào, chỗ để xe, các thiết bị và vật dụng. Còn khách thì điểm nhìn có thể là một vài bức tranh đẹp, khung cửa sổ có cây xanh, tủ trang trí… để tránh tình trạng khách không biết nhìn vào đâu. Việc bố trí vật dụng chọn lọc, có chính phụ và điểm nhấn giúp cho khách thoải mái, thích thú và tự nhiên hơn khi giao tiếp.

  • Vật dụng và trang trí
Khách – chủ trong phòng khách ảnh 4

Hình 4

Nếu trong phòng khách có bố trí tivi thì cần xem lại đây là phòng khách hay phòng sinh hoạt. Thứ nhất: tivi luôn làm đứt mạch các cuộc nói chuyện, thu hút sự chú ý của khách (cũng như cả chủ nữa) và có lúc khách tự nhủ: mình đến đây là để xem tivi hay sao? Điện trường của tivi cũng ảnh hưởng đến sự thân mật và tính tập trung, âm thanh tivi (hay các thiết bị nghe nhìn khác) khiến khách chủ phải nói to hơn, khó nắm bắt câu chuyện với nhau. Thậm chí tivi làm không khí trở nên nóng hơn (tỏa nhiệt).

Nếu nhà bạn là công ty, phòng khám bệnh… thì tivi tại phòng đợi lại giúp khách đỡ buồn chán. Còn đối với những căn hộ hoặc ngôi nhà nhỏ, phải bắt buộc bố trí tivi thì nên tắt tivi khi có khách hoặc các buổi họp mặt gia đình quan trọng. Hoặc nếu diện tích phòng khách rộng thì nên tách tivi xa khỏi bộ salon để giảm bớt ảnh hưởng (Hình 3).

Khách – chủ trong phòng khách ảnh 5

Hình 5

Dù có theo phong cách kiến trúc nào, tại phòng khách luôn tránh các kiểu sắp xếp bàn ghế lộn xộn, thiếu điểm trung tâm và hệ trục. Tương tự với bàn ăn, xu hướng quây quần khi bố trí salon luôn đem lại hiệu quả gắn bó tình cảm và tập trung hơn trong các giao tiếp. Một số nội thất dùng bộ bàn ăn dài kiêm luôn chức năng bàn tiếp khách, lúc này các yếu tố về tọa hướng cũng giống như khi dùng salon nhưng vị trí của chủ nên ở đầu bàn hoặc giữa cạnh dài của bàn. Tránh để chủ nhân ngồi ở các góc bàn hoặc dùng các chiếc ghế không có điểm tựa sau lưng (nên có một bức tường, một tủ kệ chẳng hạn).

Việc định vị chỗ cho khách – chủ sẽ kéo theo các vật dụng trang trí tương ứng. Ví dụ như sau lưng gia chủ thường treo tranh khổ lớn, ảnh gia đình, hoặc tủ kệ đặt vật lưu niệm. Cũng có thể treo tranh ảnh ở khoảng giữa khách và chủ để tạo hình ảnh kết nối (Hình 4). Xét trên diện hẹp thì tay vịn ghế cũng tương đương với các bên Tả Thanh Long Hữu Bạch Hổ, vì thế nếu có điều kiện thì nên trang bị cho phòng khách những chiếc ghế vững chãi, có tay vịn và lưng dựa thoải mái.

Nếu là dạng sofa linh hoạt thì có thể dùng những chiếc gối làm điểm dựa lưng và kê tay. Bình hoa tươi, đèn trang trí và rèm cửa cũng là những vật dụng tốt nhằm giúp cho cuộc trò chuyện khách – chủ trở nên gần gũi, thú vị và tránh các Xung Sát do ngoại cảnh tác dụng vào (ví dụ nắng chiếu vào khách, Hình 5).

HOÀI AN

Thông tin liên quan

* Trong ngôi nhà đương đại

* Khách - chủ

Tin cùng chuyên mục