Mỗi độ xuân về, không chỉ du khách trong nước nô nức chào đón năm mới mà cả những vị khách nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập… tại Việt Nam cũng háo hức mừng Tết Nguyên đán Việt. Tết cổ truyền dân tộc đã và đang góp phần làm cầu nối gắn kết mối chân tình giữa những con người xa lạ, giúp mọi người trở nên gần gũi, thân quen.
Du xuân ba miền
Sáng sớm mùng 3 Tết, khi khu vực quận 12 (TPHCM) còn mờ hơi sương, Lê Thu Sương và Kelly Padgett (chuyên viên người Anh, ngụ tại chung cư trên đường Dương Thị Mười, quận 12) đã chuẩn bị sẵn hành lý lên đường du lịch Phú Quốc 4 ngày. Tiếp đến, cặp đôi sẽ rong ruổi khắp trong Nam, ngoài Bắc theo lịch trình đã định để cùng du xuân, trẩy hội với người dân trên khắp mọi miền đất nước. Trước đó, cả hai đã về thăm gia đình Thu Sương tại Long Hồ (Vĩnh Long), cùng nhau gói bánh tét, làm mâm cỗ cúng gia tiên, đi chúc tết bà con thân tộc… Kelly Padgett cho biết, anh cảm thấy tết cổ truyền của người Việt Nam thật ý nghĩa, sâu sắc. Khi trở về Vương quốc Anh, anh chắc chắn sẽ chia sẻ nhiều hơn với người thân về Việt Nam.
Du khách xin chữ ông đồ ngày Tết Nguyên đán
Tết này, chị Maya Lomidze cùng cô con gái nhỏ (quốc tịch Nga) đón xuân mới tại quận 7. Ba ngày tết, cả hai có dịp trải nghiệm không khí nhộn nhịp, quang cảnh mua bán sôi động ở khu vực chợ hoa bến Bình Đông (quận 8), dạo đường hoa xuân khắp nội và ngoại thành TPHCM; thưởng thức những món ăn ngày tết truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu… Từ mùng 4 Tết, mẹ con chị tạm rời TPHCM, du xuân tại Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp… Mùng 8 Tết, chị Maya Lomidze sẽ ra Hà Nội, Ninh Bình, Hạ Long (Quảng Ninh), Sapa (Lào Cai). “Dải đất cong cong hình chữ S của các bạn có quá nhiều cảnh đẹp, món ăn ngon, con người vui tươi, thân thiện. Đến Việt Nam đúng dịp tết cổ truyền, chúng tôi cảm thấy thực sự được chào đón, đối đãi chân tình như những người thân lâu ngày được trở lại quê hương. Con gái nhỏ 7 tuổi của tôi rất thích thú, bé mong được ghé Việt Nam nhiều lần để đón Tết Nguyên đán”, chị Maya Lomidze vui vẻ chia sẻ.
Ấm áp tình thân
Xuân Đinh Dậu 2017 là năm thứ 3 Louis Raymond (35 tuổi, quốc tịch Pháp) đón tết tại TPHCM. Công việc của một chuyên viên phần mềm tại một công ty đa quốc gia giúp anh có nhiều cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm việc với nhiều đồng nghiệp, bạn bè quốc tế nhưng cũng khiến Louis thường xuyên bận rộn. Bù lại, sinh sống tại Việt Nam, anh có cảm giác như được ở quê nhà. Đón tết Việt Nam khiến Louis ghiền tới mức thất hứa 3 năm liền chưa chịu về Pháp thăm gia đình. “Dịp tết, điều tuyệt vời nhất với tôi chính là được trực tiếp gói bánh, luộc bánh chưng chiều 30 tháng Chạp; trải nghiệm không khí se lạnh, mưa phùn, ngắm hoa đào đỏ rực của miền Bắc; hòa vào dòng người dạo đường hoa tết trong sắc mai vàng nồng thắm miền Nam; nghe giọng ca Huế ngọt ngào trên dòng sông Hương thơ mộng…. Tết này, Louis du xuân, trẩy hội khắp 3 miền của Việt Nam”, Louis chia sẻ.
Với bà Emmy Karnot (60 tuổi, người Đức) thì điều khiến bà thích thú chính là phong tục tặng nhau phong bao lì xì màu đỏ lấy hên đầu năm mới, người xa lạ gặp nhau đều vui vẻ, bắt tay nhau, dành tặng nhau lời chúc an khang, phát tài đầu xuân… Bên cạnh đó, vào đêm giao thừa, người Việt có tục xông đất đầu năm, mở hết các cửa chính và cửa sổ vào những ngày đầu năm để đón khách vào nhà. Thêm nữa, trong 3 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các cửa hàng kinh doanh thường tạm đóng cửa để ăn tết, nghỉ ngơi. Hầu hết, các phong tục này ở Đức đều không có. Bà Emmy Karnot chia sẻ về một câu chuyện làm cho bà cảm động: “Rạng sáng mùng 2 Tết Đinh Dậu, khi đang đi dạo trên đường Nguyễn Huệ (quận 1), tôi bất ngờ được một thanh niên Việt Nam lễ phép tặng phong bao lì xì màu đỏ tươi chúc mừng năm mới. Mặc dù số tiền trong đó không nhiều (chỉ 20.000 đồng), nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng”. Đối với một giáo viên nghỉ hưu như bà, mỗi lần đến thăm Việt Nam, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, đều mang đến cho bà những trải nghiệm ấm áp, thú vị.
Xuân ấm áp, sum vầy, hạnh phúc lan tỏa khắp muôn nơi. Đây cũng là dịp du khách nước ngoài tranh thủ ghé thăm Việt Nam để trải nghiệm, tận hưởng tết cổ truyền Việt. Không chỉ có người dân trong nước mà du khách quốc tế cũng háo hức, mong đợi đón tết ta.
| |
THI HỒNG