Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010 – 2015) đã khai mạc trọng thể tại Cung Văn hóa Hữu nghị hôm qua 26-10. Đây là đại hội nhiệm kỳ đầu tiên sau khi Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính (từ 1-8-2008). Đến dự đại hội có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; nguyên Tổng Bí thư: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước: Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã gửi lẵng hoa cùng lời động viên, chúc mừng tốt đẹp tới đại hội.
GDP tăng trưởng bình quân 13%/ năm
Phát biểu khai mạc đại hội, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã chỉ ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của đại hội. Bên cạnh việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của BCH Trung ương Đảng khóa X trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đại hội cần tập trung trí tuệ, tổng kết, đánh giá sát thực, khách quan, toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ TP.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu: “Chúng ta hết sức nghiêm túc và cầu thị, thẳng thắn chỉ ra những nhược điểm và thiếu sót, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và nâng cao quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ trong thời gian tới”. Tiếp đó, đại hội cần lựa chọn được các đồng chí có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao, có tư duy đổi mới... để bầu vào BCH nhiệm kỳ mới...
Trước những đòi hỏi, yêu cầu của giai đoạn mới, không một ai trong chúng ta có thể tự cho phép mình thỏa mãn, chủ quan với những gì đã đạt được, mặc dù những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua là hết sức đáng phấn khởi, tự hào, nhưng thực tiễn cuộc sống, Đảng bộ và nhân dân đang đòi hỏi chúng ta phải làm nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa”.
Tiếp tục chương trình nghị sự, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã trình bày Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ TP khóa XIV. Báo cáo đã đánh giá toàn diện có sự phân tích sâu sắc về tình hình chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa của thủ đô trước và sau thời điểm mở rộng địa giới hành chính (1-8-2008), cũng như phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô trong 5 năm tới. Theo đó, bình quân 5 năm qua (2006 - 2010), tổng sản phẩm GDP dự kiến tăng 10,4%/năm, cao gấp 1,5 lần mức tăng bình quân chung của cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.100 – 4.300 USD/năm. Hà Nội phấn đấu tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 – 2015 đạt bình quân 13%/năm.
Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng và có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; khẳng định chủ trương triển khai thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng; có năng lực chuyên môn nghiệp vụ cao; có ý thức trách nhiệm cao, hết lòng, hết sức phụng sự sự nghiệp xây dựng, phát triển thủ đô và đất nước, phục vụ nhân dân. Thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, trọng tâm được xác định là nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện tốt chính sách cán bộ.
Đổi mới phong cách lãnh đạo, tổ chức điều hành công việc
Đó là yêu cầu mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng ghi nhận những nỗ lực không biết mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội để vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện, tạo ra những biến đổi bước đầu, tích cực của một thành phố vừa được mở rộng. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một số yếu kém, khuyết điểm của Hà Nội mà ngay tại đại hội cần đi sâu phân tích làm rõ để có cơ sở đề ra các biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Hà Nội cần có “quyết tâm rất cao, tạo bước chuyển biến thật mạnh”. Muốn vậy, cần có biện pháp huy động tối đa sức mạnh tổng hợp trên địa bàn để xây dựng và phát triển thủ đô xứng tầm. Hà Nội phải phấn đấu về đích sớm hơn 1 - 2 năm để góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
“Hà Nội phải năng động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới phong cách lãnh đạo, tổ chức điều hành công việc, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; khắc phục tình trạng ngại việc khó, né tránh trách nhiệm trong điều hành, xử lý công việc” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Song song với nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế thủ đô, thành phố cần đặc biệt coi trọng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển và tập trung giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc, trước hết là nhà ở đô thị, cấp thoát nước, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự giao thông, vệ sinh môi trường... Công tác xây dựng văn hóa và con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc, cho lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, tôn trọng pháp luật cũng là một “chân kiềng” phát triển cần chú trọng.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định, xây dựng và phát triển thủ đô không chỉ là việc của riêng Hà Nội mà còn là trách nhiệm của Trung ương và cả nước. Các bộ, ban, ngành Trung ương cần quan tâm, phối hợp chặt chẽ với thành phố, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, nhất là về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, các nguồn lực đầu tư, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển thủ đô.
Tại phiên khai mạc, các đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội đã tham gia ủng hộ đồng bào, đồng chí các địa phương bị tổn thất do thiên tai, mưa lũ. Tổng hợp bước đầu vào cuối giờ sáng 26-10 cho biết, số tiền ủng hộ hơn 127 triệu đồng.
Một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu trong giai đoạn 2011-2015 của Hà Nội - Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015: 12%-13%/năm. - Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân: 14-15%/năm - Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 55%. - Giảm hộ nghèo bình quân 1,5% - 1,8%/năm. - Diện tích đất xanh đô thị đạt: 7-8 m²/người. - 100% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước bảo đảm vệ sinh. - Mỗi năm xây dựng thêm 1,5 triệu m² nhà ở. |
Anh Thư
>> Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Hà Nội cần đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
>> Xây dựng chính quyền thân thiện