(SGGP).- Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao báo chí châu Á lần thứ 8 (AMS8), ngày 24-5, các đại biểu đã tham gia một số phiên họp trao đổi về những vấn đề liên quan đến cách thức sáng tạo và đổi mới nội dung cũng như cải tiến kỹ thuật phát thanh - truyền hình (PT - TH) trong kỷ nguyên số.
Theo ông Thoyyib Mohamed Waheed, Chủ tịch Đại hội đồng Viện Phát triển phát thanh - truyền hình châu Á - Thái Bình Dương: PT-TH từng chiếm vị trí độc tôn và là tâm điểm chú ý của công chúng. Nhưng với sự xuất hiện của máy tính xách tay, điện thoại di động, máy tính bảng..., tầm ảnh hưởng và sức hút mạnh mẽ của PT-TH cũng đã phần nào giảm bớt. Công chúng đang chọn lựa chương trình kỹ càng hơn và đòi hỏi một loại hình truyền thông mà họ có thể tiếp cận mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, phát thanh - truyền hình phải trở thành một loại hình truyền thông năng động với công nghệ số hiện đại, có khả năng thay đổi trải nghiệm của khán thính giả.
Trao đổi tại hội nghị, đa số các đại biểu đều cho rằng, để phát triển đúng hướng, các tổ chức PT-TH cần phải sản xuất và thực hiện những chương trình có nội dung sáng tạo, phù hợp với khán thính giả nói chung và khán thính giả địa phương nói riêng. Công chúng muốn theo dõi các chương trình có tính chất bất ngờ, có sự kết hợp của nhiều thể loại, đồng thời, có thể tương tác, đối thoại và tham gia vào chương trình.
Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là cách thức định vị lại ngành PT-TH và ứng dụng truyền thông kỹ thuật số để thu hút và duy trì khán thính giả. Các đài PT-TH cần đẩy mạnh việc khai thác công nghệ mới như truyền hình trên internet, truyền hình độ nét cao (HDTV), truyền hình 3D (3DTV) và truyền hình trên di động nhằm tạo ra nhiều hướng tiếp cận với công chúng.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã có định hướng chiến lược rõ ràng, bước đi cụ thể và quyết liệt chỉ đạo triển khai thử nghiệm và ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Từ năm 2008, sau khi phóng thành công vệ tinh viễn thông Vinasat-1 lên quỹ đạo, tỷ lệ phủ sóng phát thanh và truyền hình ở Việt Nam đạt xấp xỉ 100%.
Năm 2009, Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng PT-TH đến năm 2020. Theo đó, lộ trình chuyển đổi số hóa truyền dẫn phát sóng PT-TH đã được đề ra rất cụ thể cho từng giai đoạn, đảm bảo đến năm 2020 cơ bản chấm dứt việc truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất sử dụng công nghệ tương tự.
Tr.Bình – M.Huệ