(SGGP).- Chiều 4-6, Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2012 khai mạc tại TP Đông Hà (Quảng Trị). Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đại diện các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; đại diện các nhà tài trợ song phương và đa phương cho Việt Nam tham dự.
Hội nghị CG năm 2012 diễn ra từ ngày 4 đến 5-6 là diễn đàn trao đổi ý kiến giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bàn các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện chiến lược giảm nghèo, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA... Hội nghị sẽ tập chung thảo luận sâu hơn 3 vấn đề tại khu vực miền Trung gồm: Xóa đói giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai và cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Trung. Điểm mới của Hội nghị CG năm 2012 là các địa phương có cơ hội đối thoại trực tiếp với các bộ, ban, ngành liên quan và các nhà tài trợ. Đây cũng là dịp để các địa phương quảng bá, giới thiệu với bạn bè quốc tế về mảnh đất, con người, những tiềm năng và thế mạnh của mình, từ đó tạo ra kênh kêu gọi đầu tư mạnh hơn, hiệu quả hơn.
Cùng ngày, các đại biểu dự Hội nghị CG năm 2012 đã đi thực địa, thăm các dự án phát triển tại Quảng Trị. Trước đó, chiều 3-6, trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Hội nghị CG năm 2012, UBND tỉnh Quảng Trị đã có buổi tiếp và làm việc với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản do ông Tsuno Motonori, trưởng đại diện dẫn đầu. Được biết, từ năm 1996 đến nay, Nhật Bản đã hỗ trợ tỉnh Quảng Trị thực hiện tổng cộng 30 dự án với số vốn viện trợ khoảng 23 triệu USD. Tại miền Trung, JICA tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng với hai mục tiêu: Tăng cường kết nối của trục đường Bắc - Nam và phát triển Hành lang Kinh tế Đông Tây. Quảng Trị là một trong những tỉnh nhận được sự hỗ trợ trên nhiều phương diện.
Trong khuôn khổ Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam được tổ chức tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, sáng 4-6, đoàn đại biểu các nhà tài trợ cho Việt Nam tham dự hội nghị đã thực hiện thăm quan thực địa các công trình, dự án do các tổ chức, Chính phủ nước ngoài tài trợ cho tỉnh Quảng Trị. Các đại biểu chia thành 2 tuyến đến tham quan, thực địa 6 công trình dự án đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhằm đánh giá hiệu quả của các công trình, dự án sau khi được thực hiện.
Tại tuyến thăm quan, thực địa phía Nam, các đại biểu đã tới thăm: Dự án khôi phục, nâng cấp, bảo đảm an toàn hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn với tổng mức đầu tư hơn 4,1 triệu USD, trong đó ADB cho vay ODA ưu đãi trên 3,7 triệu USD; tiểu dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn thuộc dự án Thủy lợi miền Trung do ADB tài trợ và tiểu dự án Chống lũ cho vùng trũng Hải Lăng, thuộc dự án Quản lý rủi ro thiên tai của Ngân hàng Thế giới (WB).
Tại tuyến tham quan thực địa phía Bắc, các đại biểu đã thăm quan: Dự án Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh do RENEW tài trợ; dự án Đường Hồ Xá - Vĩnh Tú - Vĩnh Thái (Vĩnh Linh) do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và Dự án trồng rừng Việt - Đức do Chính phủ Đức tài trợ.
Các nhà tài trợ đã đánh giá cao hiệu quả của các công trình, dự án được triển khai tại Quảng Trị trong việc góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
| |
V.Thắng – L.Ngọc
Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA
Xung quanh những dấu hiệu sai phạm tại các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Đan Mạch khiến 3 trong số 4 dự án này phải ngừng triển khai, trao đổi nhanh với báo giới ngày 4-6, bên hành lang Quốc hội về các phản ứng của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết:
Việt Nam đã nhận nguồn vốn ODA từ nhiều năm nay và luôn luôn sử dụng vốn ODA một cách có hiệu quả. Đó không chỉ là đánh giá của riêng chúng ta mà các nước viện trợ ODA cũng có đánh giá như vậy. Chính vì thế mà các nước vẫn tiếp tục viện trợ ODA cho Việt Nam.
Với vụ việc liên quan đến các dự án mà phía Đan Mạch cho biết có sai phạm trong sử dụng vốn, đây mới chỉ là ý kiến từ phía Đan Mạch, Việt Nam cũng đang cho kiểm tra lại vấn đề này. Các dự án liên quan ODA của Đan Mạch viện trợ liên quan đến biến đổi khí hậu và cũng chỉ mới thực hiện được 6 tháng. Xung quanh vụ việc, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ cũng đã gặp đại sứ Đan Mạch nêu về vấn đề này và nêu quan điểm của chúng ta là phải sử dụng ODA một cách hiệu quả. Nếu có những vi phạm sẽ xử lý nghiêm khắc. Chúng ta luôn chân thành và coi trọng nguồn ODA của các nước và luôn cam kết sử dụng có hiệu quả.
- Phóng viên: Hiện tượng tiêu cực về sử dụng ODA không phải lần đầu mà đã nhiều lần?
Bộ trưởng PHẠM BÌNH MINH: Không phải là nhiều. Chúng ta có nhiều dự án sử dụng vốn ODA rất lớn nhưng số sai phạm là không nhiều. Chính vì vậy các nước đã đánh giá qua các kỳ kiểm điểm về thực hiện vốn ODA là Việt Nam luôn luôn nằm trong số những nước sử dụng vốn có hiệu quả. Thế nhưng, trong thực hiện nguồn vốn ODA cũng có những dự án sai phạm, song đó chỉ là “một con sâu làm rầu nồi canh”. Tất cả những dự án nào sử dụng vốn ODA không hiệu quả, có sai phạm chúng ta đều xử lý nghiêm.
- Ông đánh giá thế nào về mức độ ảnh hưởng?
Quan điểm của Nhà nước chúng ta là đánh giá rất cao vai trò của nguồn vốn ODA và xin khẳng định lại đây không phải là lần đầu tiên chúng ta nhận ODA mà là cả chục năm nay rồi và Việt Nam đã sử dụng có hiệu quả trong rất nhiều dự án. Với dự án này, chúng ta mới chỉ có thông tin và sẽ phải kiểm tra lại. Khi có kết luận thì mới có đánh giá và xử lý. Chúng tôi tin các nhà tài trợ nước ngoài vẫn đánh giá cao Việt Nam.
- Các bộ, ngành đã có ý kiến gì xung quanh những sai phạm mà phía Đan Mạch nêu chưa, thưa ông?
Phía Đan Mạch đưa ra ngày 31-5 thì chúng ta phải có thời gian để kiểm tra các dự án đó. Nếu có sai phạm thì phải kiểm tra, điều tra, khi phát hiện sai phạm thì xử lý.
- Phía Bộ Ngoại giao đã có những phản ứng ra sao sau khi nhận được những thông tin trên?
Bộ Ngoại giao đã gặp Đại sứ quán Đan Mạch và đại diện Việt Nam tại Đan Mạch cũng đã gặp phía Đan Mạch để đề nghị cho biết tình hình cụ thể và cho biết ý kiến. Với chúng ta, tất nhiên phải khi có kết quả điều tra thì mới có ý kiến. Điều đầu tiên phải làm là các chủ dự án, tiểu dự án tại Việt Nam phải báo cáo.
Hà My
| |