Việc TPHCM triển khai một loạt giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ là kịp thời, vừa đúng, vừa trúng, qua đó thể quyết tâm chính trị to lớn của Đảng bộ và chính quyền TPHCM trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều đại biểu đã nhận định như vậy tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 4 khai mạc ngày 29-3, do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì.
Về chỉ số giá tiêu dùng quý 1-2011 tăng 4,89% (cùng kỳ tăng 3,78%), một số đại biểu cho rằng, do các mặt hàng ăn và dịch vụ ăn uống; giao thông tăng mạnh (do giá xăng, dầu tăng). Dự kiến thời gian tới, biến động về giá điện, xăng dầu và tỷ giá USD sẽ tiếp tục gây nhiều áp lực lên giá cả hàng hóa. “Nếu TP không có giải pháp bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu thì giá cả còn tăng cao hơn nữa, chứ không dừng lại như thế này!” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài phân tích.
Trong 3 tháng qua, TP tiếp tục triển khai bình ổn giá 9 loại hàng hóa, phát triển nhiều điểm bán, có lúc lên tới 2.400 điểm, trong đó mở nhiều trong các khu công nghiệp, khu dân cư, vùng xa. Chương trình này góp phần kiềm chế mức tăng giá trên địa bàn thấp hơn cả nước (chỉ số giá cả nước quý 1-2011 tăng 6,1%). Mới đây, TP vừa quyết định đưa tân dược vào nhóm mặt hàng bình ổn giá vì thuốc men là mặt hàng cần thiết cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.
Nhiều đại biểu đánh giá cao vai trò của UBND TP trong việc phối hợp chặt chẽ với ngân hàng và các ngành chức năng kiểm soát tốt thị trường tiền tệ. Ngay khi có Nghị quyết 11 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM nhanh chóng xác định giải pháp, lộ trình nhằm bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tăng phương tiện thanh toán khoảng 15%-16%, đồng thời cơ cấu lại vốn vay tín dụng. Hiện nay, TP có 75 đại lý và 1.950 điểm thu đổi ngoại tệ. Qua kiểm tra 37 đơn vị, các cơ quan chức năng xử phạt 3 vụ vi phạm mua bán ngoại tệ trái phép với số tiền phạt hơn 172 triệu đồng. Có ý kiến nhận định, nhờ quyết liệt thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, đi đôi với giải pháp chống hiện tượng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế; quản lý chặt chẽ thị trường vàng, ngoại hối và kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh USD trái pháp luật góp phần làm cho tỷ giá, giá vàng, thị trường vàng dần đi vào ổn định.
Có đại biểu nhìn nhận, bên cạnh những tín hiệu tích cực trong bình ổn trên thị trường, TP cũng thu được kết quả khá quan trọng là sự bình ổn trong lòng dân. Có thể nói, sự đồng thuận trong xã hội là thành công bước đầu TPHCM đạt được sau thời gian thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội - mục tiêu được TPHCM xác định là số một, nhất quán trong chủ trương điều hành kinh tế.
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, TPHCM cần huy động sức mạnh to lớn của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn lạm phát, thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân, trong đó triển khai tốt hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngoài ra, TP cùng các ngành chức năng cần có giải pháp quyết liệt trong điều hành và kiểm soát tăng trưởng tín dụng; kiên quyết ngừng hoặc giãn tiến độ đối với các dự án chưa cấp thiết, kém hiệu quả để tăng vốn cho các dự án hạ tầng xã hội, phục vụ dân sinh…
Một số đại biểu kiến nghị TP đề xuất với trung ương nên đánh thuế hàng tiêu dùng xa xỉ cao hơn để tiết chế tiêu dùng trong lúc các nhà sản xuất trong nước nỗ lực chiếm lĩnh thị phần ở những mặt hàng có thể thay thế.
Với kinh nghiệm “biến thách thức thành thời cơ” qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 2 năm, TPHCM một lần nữa thể hiện tính năng động, sáng tạo và coi đây là cơ hội đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội vẫn được TP cam kết tiếp tục thực hiện” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài khẳng định.
Đồng chí cho biết, ngoài các chính sách an sinh xã hội đang áp dụng hiện nay, trong năm 2011, TP triển khai thêm nhiều chính sách hỗ trợ khác như: Trợ cấp hộ nghèo đặc biệt khó khăn (với 6.901 nhân khẩu, mức 100.000 đồng/nhân khẩu/tháng); trợ cấp bù giá điện (30.000 đồng/hộ nghèo/tháng) cho gần 37.000 hộ nghèo có thu nhập 8 triệu đồng/người/năm trở xuống; trợ cấp khó khăn đột xuất (200.000 đồng/người/tháng) cho 810 người diện chính sách có công với cách mạng; trợ cấp khó khăn đột xuất (200.000 đồng/người/tháng) cho hơn 80.000 CBCC-VC… với tổng kinh phí trợ cấp khoảng 176,25 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Thành Tài cho biết, TP đã quyết tâm đặt kế hoạch tiết kiệm 10% các khoản chi thường xuyên theo Nghị quyết 11, dự tính tiết kiệm khoảng 196 tỷ đồng. Riêng chủ trương tạm ngừng, hoãn, giãn tiến độ đối với các dự án đầu tư vốn ngân sách, đồng chí Nguyễn Thành Tài khẳng định, TP đang thực hiện giải pháp điều hành chặt chẽ vốn ngân sách chi cho đầu tư xây dựng cơ bản.
Hôm nay (30-3) hội nghị tiếp tục làm việc.
TUẤN SƠN – HỒNG HIỆP