* Ghi nhớ hợp tác về CNTT giữa Việt Nam và Banglasesh
(SGGPO).- Sáng 30-10, tại Hà Nội “Ngày CNTT Nhật Bản 2014” (Japan ICT Day 2014) lần thứ 8 đã khai mạc.
Đây là năm có số lượng doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đông nhất, với gần 100 đại biểu đến từ 47 doanh nghiệp. Đặc biệt, có 2 đoàn đại biểu sang Việt Nam lần đầu tiên để tìm đối tác là đoàn doanh nghiệp thành phố Sapporo với 12 doanh nghiệp và đoàn Hiệp hội Phần mềm Nhật Bản (NSA) với 20 doanh nghiệp.
Đoàn của Hiệp hội Dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA), đơn vị phối hợp Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Japan ICT Day suốt 8 năm qua cũng tham gia với 18 doanh nghiệp.
Japan ICT Day 2014 diễn ra trong khuôn khổ “Diễn đàn cấp cao CNTT Việt Nam – ASOCIO 2014” (Vietnam-ASOCIO ICT summit 2014) với nhiều cuộc tiếp xúc có hàm lượng thông tin cao từ các phiên làm việc chính, các hội thảo chuyên đề, cũng như các cuộc business matching được tổ chức bên lề. Ngoài gần 100 đại biểu doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, còn có nhiều doanh nghiệp quốc tế có mặt tại ASOCIO ICT Summit 2014 cũng tham dự, như Hàn Quốc, Israel, Malaysia…
Ban tổ chức cho biết, trong chương trình gặp gỡ doanh nghiệp (business matching) giữa các thành viên ASOCIO, Nhật Bản và Việt Nam, trên 1000 cuộc gặp đã được thực hiện với nhiều triển vọng hợp tác thực tế trong tương lai.
Tham dự Japan ICT Day 2014, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao nỗ lực của VINASA trong việc thúc đẩy hợp tác CNTT Việt Nhật bằng nhiều hoạt động cụ thể như: tổ chức các chuyến đi xúc tiến thương mại, kết nối thông tin giữa doanh nghiệp hai nước, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá tên tuổi ra quốc tế - trong đó có thị trường Nhật Bản… Japan ICT Day 2014 diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng quan tâm đến Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn trong hoạt động đầu tư BPO, outsourcing, offshore… Nhiều doanh nghiệp Nhật đã chuyển các hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo báo cáo của Cơ quan xúc tiến CNTT Nhật Bản (IPA), Việt Nam vẫn giữ vững được vị trí đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản từ năm 2012 và là “đối tác được ưa thích nhất” của các doanh nghiệp Nhật Bản trong cuộc khảo sát do cơ quan này thực hiện với 31,5% phiếu bình chọn của doanh nghiệp Nhật (Ấn Độ là 20% và Trung Quốc là 16,7%). Ngoài những lợi thế về gần gũi văn hóa, giá nhân công rẻ, nguồn nhân lực cũng là yếu tố hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
Theo số liệu công bố, đào tạo đại học và cao đẳng chuyên ngành CNTT tại Việt Nam chiếm 10,83% tổng chỉ tiêu cao đẳng - đại học. Số lượng sinh viên CNTT tốt nghiệp đạt khoảng 40 ngàn/năm và hiện có khoảng 170 ngàn sinh viên đang học ngành CNTT.
Ông Nguyễn Đoàn Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (VJC) cho biết, sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp CNTT Nhật Bản đối với Việt Nam đã dẫn đến tình trạng khan hiếm khá trầm trọng nguồn nhân lực có khả năng tiếng Nhật và các kiến thức chuyên môn.
Từ nay cho đến năm 2020, nhu cầu nhân lực CNTT ở Nhật Bản cũng sẽ tăng đột biến để phục vụ cho việc chuẩn bị Olympic năm 2020 do Nhật đăng cai; ngoài ra có khá nhiều các dự án lớn đang được các cơ quan chính phủ Nhật Bản, các tập đoàn CNTT tại Nhật Bản lên kế hoạch để triển khai, thì chắc chắn sự kham hiếm nhân lực CNTT của Nhật cũng càng trầm trọng hơn, là động lực để doanh nghiệp Nhật tìm kiếm sự bù đắp từ các đối tác Việt Nam.
* Cũng trong sáng 30-10, trong khuôn khổ Vietnam-ASOCIO ICT summit 2014, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) và Hiệp hội Máy tính Banglasesh (BCS) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) nhằm mục đích thúc đẩy và phát triển hơn nữa ngành công nghệ thông tin của hai quốc gia (ảnh dưới). Theo đó, hai bên sẽ chia sẻ kiến thức, dữ liệu và hỗ trợ nghiên cứu thị trường trong ngành công nghệ thông tin cho nhau; Tiến hành trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ thông qua việc tổ chức các chuyến thăm, làm việc thực tế cho các đoàn đại biểu giữa doanh nghiệp hai quốc gia; Quảng bá và tạo điều kiện cho các hoạt động trao đổi thương mại cho ngành công nghệ thông tin qua các sự kiện, hội nghị, hội thảo, triển lãm; Tiến hành các hoạt động kết nối hợp tác giữa các công ty công nghệ thông tin của Việt Nam và Bangladesh.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA nhận định, với dân số 160 triệu người, đứng thứ 8 thế giới và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp hơn Việt Nam, Bangladesh là một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khi chính phủ nước này đang đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực CNTT với chiến lược Digital Bangladesh (Số hóa Bangladesh) đến năm 2020. Trong thời gian gần đây, đã có một số doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam giành được những hợp đồng lớn trị giá hàng triệu USD tại Bangladesh. MOU giữa VINASA và BCS là tiền đề quan trọng, mở ra nhiều hơn nữa cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp công nghệ thông tin của hai quốc gia Việt Nam và Bangladesh...
Tin và ảnh: TRẦN BÌNH