Đồng bằng sông Cửu Long có chiều dài bờ biển hơn 700km, vậy mà khi nhắc đến vùng đất này ít khi người ta đề cập tới biển. Với lợi thế bờ biển dài, bãi bồi phong phú, hàng năm, ĐBSCL cung cấp khoảng 52% sản lượng thủy sản đánh bắt và gần 67% sản lượng nuôi trồng; chiếm 65% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Những lợi thế từ biển đã góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống người dân các địa phương ven biển. Tuy thế, chiến lược khai thác biển ở ĐBSCL lâu nay chưa được đề cập đúng mức.
Lợi thế biển ở ĐBSCL có thể nhìn thấy ở ven bờ: nuôi tôm sú, trồng lúa-tôm, nuôi nghêu, sò, hàu, cá lồng, trồng rừng phòng hộ. Chính nguồn thu nhập từ lĩnh vực này đã làm đổi đời không biết bao nhiêu hộ dân nghèo ven biển. Nghề đánh bắt xa bờ tại ĐBSCL thời gian qua có lúc thăng, trầm nhưng ngư dân vùng này chưa bao giờ nguôi ngoai khát vọng vươn khơi. Hiện nay các địa phương ven biển đều có định hướng quy hoạch phát triển nuôi trồng, đầu tư cảng, trang bị phương tiện đánh bắt hiện đại để khai thác nguồn tài nguyên vô giá từ biển. Nhiều năm qua phát triển kinh tế biển ở ĐBSCL chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên ở đất liền bằng việc nuôi trồng thủy sản, nghề cá đánh bắt xa bờ và vận tải biển còn nhiều hạn chế.
Lợi thế biển ở ĐBSCL còn là tiềm năng phát triển công nghiệp. Cùng với đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau, Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 (tổng công suất 15.000 MW), Cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau (tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD) đi vào hoạt động đồng bộ sẽ tạo ra giá trị sản lượng công nghiệp trên 34.000 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm trực tiếp cho gần 1.200 lao động địa phương. Hiện nay, các trung tâm điện lực lớn đang được xúc tiến, xây dựng tại các địa phương ven biển như: Duyên Hải (Trà Vinh), Long Phú (Sóc Trăng), Kiên Lương (Kiên Giang) và các khu kinh tế Năm Căn (Cà Mau), Duyên Hải (Trà Vinh). Vốn đầu tư hàng tỷ USD/dự án hứa hẹn là động lực thúc đẩy ĐBSCL phát triển vượt bậc.
Vận tải biển được xem là ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong thời kỳ mở cửa và hội nhập để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên trường quốc tế, nhưng năng lực vận tải biển của vùng chỉ mới khai thác phần nhỏ bằng việc chuyển hàng hóa thông qua các cảng. Hiện phần lớn hệ thống cảng ở ĐBSCL đang hoạt động dưới công suất thiết kế, do luồng vào cảng bị bồi lắng, tàu tải trọng lớn không thể ra vào; đồng thời dịch vụ hậu cần ở cảng chưa đầu tư đồng bộ, doanh nghiệp phải gánh thêm nhiều chi phí khi vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ.
Vùng biển ĐBSCL còn kề cận các luồng vận tải quốc tế tấp nập nhất: Hàng năm, qua biển Đông vận chuyển khoảng 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông và Đông Nam Á, khoảng 45% hàng xuất khẩu của Nhật Bản và 60% hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Vùng biển ĐBSCL có vị thế trọng yếu. Quần đảo Trường Sa, Côn Sơn và Phú Quốc, Thổ Chu đóng vai trò chiến lược về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Tiềm năng trên là nền tảng để phát triển toàn diện kinh tế biển vùng ĐBSCL, từ khai thác tài nguyên, khoáng sản dưới đáy biển, khai thác các tầng nước biển, khai thác mặt nước, khai thác các đảo và bầu trời trong vùng lãnh hải Việt Nam. Tiềm năng phát triển du lịch biển - đảo là rất lớn. Du lịch không chỉ là ngành kinh tế mà còn thể hiện sự hiện diện, bằng chứng rõ ràng và thuyết phục nhất về chủ quyền quốc gia. Nếu khai thác đúng mức, kinh tế biển sẽ làm thay đổi hoàn toàn tầm vóc về mọi mặt ở ĐBSCL. Kinh tế biển sẽ đóng góp đến trên 80% GDP của cả ĐBSCL khi các hoạt động nêu trên được phát động mạnh mẽ. Đó chính là đánh thức lợi thế biển vùng đồng bằng.
Trần Minh Trường