Khai thác tài nguyên Bắc Cực: Không dễ dàng!

Chi phí cực cao
Khai thác tài nguyên Bắc Cực: Không dễ dàng!

Sau khi Nga cắm cờ dưới đáy Bắc Băng Dương ngày 2-8, tình hình ở vùng đất băng giá Bắc Cực bỗng “nóng” lên. Tuy nhiên việc khai thác tài nguyên, dầu mỏ ở Bắc Cực hoàn toàn không dễ dàng như người ta tưởng.

Chi phí cực cao

Bắc Cực băng giá đang “nóng” lên vì những tranh chấp của các nước
Bắc Cực băng giá đang “nóng” lên vì những tranh chấp của các nước

Trước hết, cần biết rằng giá thành khai thác dầu khí và khoáng sản ở độ sâu 4km dưới mặt băng sẽ rất cao: lên đến khoảng 500 USD/thùng dầu, trong lúc giá bán hiện nay trên thị trường thế giới dao dộng quanh mức 70 USD/thùng. Hơn nữa, đến nay vẫn chưa có công nghệ cần thiết nào giúp cho việc khai thác đó. Một vài hãng lớn trên thế giới có công nghệ khai thác dưới đáy đại dương, như Total, Norsk Hidro, Conoco Phillips, ExxonMobil, Statoil và Chevron. Còn Nga thì chưa có.

Thứ hai là độ sâu, khoan ở độ sâu 4km rất phức tạp và đắt đỏ. Việc bơm dầu, hút khí lên còn phức tạp hơn. Tuy nhiên, về nguyên tắc khó khăn này có thể giải quyết được, không như vấn đề thứ ba là băng giá.

Độ dày của lớp băng tuyết ở Bắc Cực sẽ vô hiệu hóa mọi công nghệ hiện có. Phá băng là một chuyện, quan trọng hơn là phải thường xuyên dọn sạch, để các núi băng trôi không phá hoại giàn khoan. Đó sẽ là một khoản chi phí khổng lồ. Thành thử, khai thác tài nguyên ở các vùng “truyền thống” chắc chắn có lợi hơn hẳn khai thác ở Bắc Cực.

Cần xác định bằng pháp lý quốc tế

Theo nhận định của các chuyên viên về mọi mặt liên quan Bắc Cực, tình hình sẽ diễn biến theo 2 kịch bản. Một là, cuộc tranh chấp giữ chỗ (có nguyên nhân ban đầu là vấn đề nội chính của các nước tham gia tranh chấp) rồi sẽ lắng dần, và trong 10-15 năm tới, sẽ có vô số hội nghị quốc tế quanh vấn đề phân chia Bắc Cực. Mỹ và Canada rồi cũng sẽ cắm cờ dưới đáy Bắc Cực. Hai là, Bắc Cực sẽ bị quân sự hóa từ mọi phía và một ngày nào đó sẽ... bùng nổ Chiến tranh Thế giới III, tên lửa của Nga và Mỹ sẽ “đấu” nhau qua chính Bắc Cực. Nhưng hiện thời, chưa ai muốn gây chiến thật sự.

Ngoài các nước quanh vùng biển này như Na Uy, Island, Phần Lan, Thụy Điển, các nước khác, như Trung Quốc, Ireland và thậm chí cả Australia, cũng đã lên tiếng tỏ ý muốn chia phần “bánh Bắc Cực” họ cho rằng thềm lục địa Bắc Cực phải được công bố là “một bộ phận của di sản thế giới và dành cho tất cả cùng sử dụng”.

Bây giờ cũng không còn là thời thế kỷ 15, khi chỉ cần cắm cờ nước mình ở đâu đó, nơi ấy sẽ thuộc phần lãnh thổ của mình. Bắc Cực cần được xác định và phân chia về mặt pháp lý quốc tế sớm chừng nào tốt chừng ấy để tránh nguy cơ xung đột quân sự .

LÊ THIẾU HUYỀN (theo izvestia.ru)

Tin cùng chuyên mục