
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất sẽ “mua” được thương hiệu bảo tàng Louvre của Pháp? Theo tin của báo Le Monde, Chính phủ Pháp vừa xác nhận rằng, một hợp đồng nhượng quyền sử dụng thương hiệu Louvre sẽ được ký kết vào cuối tháng 1-2007. Hợp đồng có thể trị giá đến một tỷ euro (1,3 tỷ USD).

Theo hợp đồng, bảo tàng mang tên Louvre Abou Dhabi sẽ dựa vào một nhóm các cơ sở văn hóa Pháp nổi tiếng để hoạt động và được quyền mang cái tên danh tiếng này trong ít nhất 20 năm.
Ngoài Louvre, còn có Bảo tàng Orsay, Trung tâm Pompidou và cả cơ quan quản lý cung điện Versailles tham gia hợp đồng.
Louvre Abou Dhabi sẽ được thuê nhiều tác phẩm nghệ thuật từ các cơ sở trên để trưng bày thường xuyên cũng như được hỗ trợ để tổ chức triển lãm định kỳ. Tất cả “trong sự tôn trọng các truyền thống và những điều cấm kỵ của đạo Hồi,” như được ghi trong hợp đồng.
Louvre Abou Dhabi chỉ là một phần trong công trình xây dựng vĩ đại ở đảo Saadiyat, ngoài khơi Abou Dhabi. Khác với Dubai - thành phố kinh tế, thương mại - Abou Dhabi sẽ là thành phố văn hóa.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã ký với Bảo tàng Guggenheim (New York) một hợp đồng trị giá 400 triệu USD. Từ đây đến năm 2012, một bảo tàng mang tên Guggenheim Abou Dhabi sẽ được xây dựng theo thiết kế của kiến trúc sư Mỹ Frank Gehry trên đảo Saadiyat.

Toàn cảnh Viện Bảo tàng Louvre (Pháp)
Ngoài Louvre et Guggenheim, trên đảo sẽ có một bảo tàng hải dương học, một bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo và một trung tâm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật sống.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, nhà sản xuất dầu lửa đứng hàng thứ ba thế giới, là đối tác chiến lược và kinh tế của Pháp. Thành lập năm 1971, nó là một liên bang gồm bảy tiểu vương quốc, trong đó có Dubai và Abou Dhabi (được lấy làm thủ đô).
Theo kế hoạch, đảo Saadiyat diện tích 2.700ha, nằm ngoài khơi Abou Dhabi, sẽ trở thành một tổ hợp du lịch - văn hóa vĩ đại. Tại đây sẽ có khu thuyền buồm, các khách sạn hạng sang, sân gôn, bãi biển cát trắng. Bên cạnh đó là khu vực nghệ thuật với nhà hát vũ kịch (opera) và các thính phòng, rạp chiếu phim, cả một khu dành cho các bảo tàng.
Một việc chưa hề có tiền lệ trong lịch sử các viện bảo tàng (VBT) của nước Pháp: 1.400 người, phần lớn là những nhà hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, truyền thông và nghệ thuật, đã cùng ký kết một bản kháng nghị mang tựa đề “Các viện bảo tàng không phải để bán”, nhằm phản đối xu hướng “thương mại hóa” các VBT nước này bằng cách cho thuê những tác phẩm trưng bày quý giá, thậm chí cho thuê cả danh tiếng của chính VBT, để tăng thu nhập. |
THỤY ANH - MINH QUỐC
(theo L’Express, Le Monde, Libération)