Khai thông động lực tăng trưởng

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô quý 1-2014, đã dấy lên nhiều tranh luận với các ý kiến khác nhau: GDP tăng 4,96% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp hơn so với quý 1-2010 và 2011 nhưng là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua. Trái chiều với GDP, chỉ số CPI cả nước tháng 3-2014 âm 0,44%. Tính chung 3 tháng đầu năm nay CPI tăng thấp nhất trong hàng chục năm nay (0,8%) so với mức tăng chung trong cùng thời gian (3,77%).

Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh chung nền kinh tế với những “điểm nghẽn” chưa được hóa giải như nợ xấu cao, tăng trưởng tín dụng thấp, vốn đầu tư nền kinh tế giảm, thị trường bất động sản thoi thóp…, tốc độ tăng trưởng kinh tế với xu hướng quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước là tín hiệu tích cực, bước đầu tạo dựng niềm tin đầu tư và tiêu dùng.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại nền kinh tế vẫn đối mặt với suy giảm, động lực tăng trưởng chưa được khai thông, biểu hiện ở các chỉ số: Tín dụng nền kinh tế - lực đẩy sản xuất kinh doanh - 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm, đến tháng 3 mới đạt 0,12% trong khi mục tiêu đặt ra cho cả năm tăng 12% - 14%.

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm nay cũng chỉ thực hiện được 11,6% kế hoạch cả năm, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lo hơn, làn sóng doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động vẫn chưa được ngăn chặn, trong quý 1 có đến 16.800 doanh nghiệp rơi vào diện này, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số CPI giảm thấp do tổng cầu yếu đã trở thành đề tài nóng nổi lên hiện nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm nay nếu tính theo giá thực tế thì tăng 11,6% nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng (bình quân 5,05%) chỉ tăng 6,2%, chưa bằng một nửa tốc độ tăng tương ứng giai đoạn 2006 - 2010. Thực tế ngành công nghiệp chế biến, ngành hàng có tỷ trọng lớn nhất trong toàn bộ ngành công nghiệp, chỉ số tăng tiêu thụ thấp hơn chỉ số tăng sản xuất (3,4% so với 5,4%) và tính trong 3 tháng đầu năm chỉ số tồn kho không giảm mà tăng cao, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều chuyên gia cho rằng điều đáng lo ngại hiện nay là sức cầu nền kinh tế quá thấp, có khả năng đối diện với nguy cơ giảm phát, chứ không còn là thành tích “kiểm soát được lạm phát”!

Chưa bao giờ bài toán kích hoạt tăng trưởng gặp khó khăn như hiện nay. Tốc độ tăng trưởng nhanh trước đây có được là nhờ đóng góp của các nhân tố phát triển theo chiều rộng (lao động rẻ, dựa vào vốn, tài nguyên). Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao, mất ổn định vĩ mô. Và để nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả năng suất tổng hợp, trình độ công nghệ, tăng năng suất lao động, phát huy lợi thế so sánh nội tại…

Đáng tiếc là việc tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm chạp, hiệu quả thực tế chưa thấy rõ. Vì vậy, nếu nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng vốn đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng hiệu suất sử dụng vốn thấp như hiện nay, tất yếu sẽ quay lại chu kỳ lạm phát cao.

Thực tế nền kinh tế nước ta vẫn chưa thoát khỏi quỹ đạo tăng trưởng chậm. Trước 2005, GDP nước ta tăng trưởng mạnh, có lúc đạt mức tăng trưởng cao nhất 7,55%/năm. Nhưng từ năm 2006 - 2010 tốc độ có xu hướng đi xuống, về mức 5%-6%. Sau khi bị tác động nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, tốc độ tăng trưởng Việt Nam dần hồi phục nhưng đạt thấp, đề ra mục tiêu tăng trưởng tiệm tiến: Năm 2013 đạt 5,48% và năm 2014 là 5,8%.

Từ năm 2010 Việt Nam đã chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, so về quy mô GDP bình quân đầu người nước ta rất thấp, đứng thứ 7/11 nước trong khu vực và hạng 34/47 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á.

Vì vậy, các chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng nếu Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 5% - 6% thì có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng xã hội trong tương lai gần do khó giải quyết việc làm, thất nghiệp gia tăng, dân số già hóa, gánh nặng an sinh xã hội… Và nguy cơ trực tiếp là Việt Nam sẽ mắc “bẫy thu nhập trung bình” dài hạn, không vượt thoát và tiến lên được trong tiến trình hội nhập với các biểu hiện rất rõ ràng hiện nay: tăng trưởng chậm, năng suất kém, chuyển dịch cơ cấu chưa thực chất, đạt thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu.

Kết quả các chỉ tiêu chủ yếu đạt được trong quý 1-2013 cho thấy nền kinh tế có tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn chưa phục hồi được đà tăng trưởng trước đây. Vấn đề đặt ra là gấp rút khai thông động lực tăng trưởng, nhanh chóng đưa nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm và của cải cho xã hội. Trong bối cảnh sản xuất chưa được cải thiện, đầu ra tín dụng bế tắc, bất động sản đóng băng, dòng tiền vào chứng khoán lại tăng nóng.

Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Việt Nam là thị trường có chỉ số phục hồi tốt nhất thế giới. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, chỉ số VN-Index tăng 18% tại sàn TPHCM và 30% tại sàn Hà Nội. Nhiều phiên giao dịch cuối tháng 3-2014, điểm số đã vượt qua mốc 600 và có phiên giao dịch đạt kết quả trên 6.000 tỷ đồng - là mức cao nhất mọi thời đại.

Nhiều người đặt câu hỏi: Chỉ số chứng khoán tăng do dự báo nền kinh tế tốt lên hay dòng vốn vẫn mang tính chất đầu cơ, lướt sóng; nợ xấu, bong bóng nền kinh tế chưa tan nay phải chăng hình thành tiếp bong bóng mới?!

LÊ TIỀN PHONG

Tin cùng chuyên mục