Tại cuộc họp với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bàn về phát triển giáo dục TPHCM mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã trăn trở: “Nếu TPHCM không phát huy được nguồn lực trí thức với trên 8.000 giáo sư, tiến sĩ thì không thể trở thành thành phố văn minh, hiện đại được”. Và để tận dụng nguồn lực chất xám, nhân lực trình độ cao trên địa bàn, TPHCM sẽ thành lập hội đồng hiệu trưởng các trường đại học (ĐH) và Chủ tịch UBND TPHCM sẽ làm chủ tịch hội đồng. Trên cơ sở này, TPHCM sẽ xác định nhu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao theo nhu cầu phát triển nhanh của thành phố và đặt hàng các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia giải quyết các vấn đề cốt lõi của địa phương.
So với các tỉnh, thành phố cả nước, TPHCM có nhiều trường ĐH, CĐ và số lượng sinh viên đông nhất, với 23% trong tổng số sinh viên Việt Nam. Thế nhưng, nhìn lại trong nhiều năm qua, TPHCM vẫn chưa tận dụng và khai thông hết tiềm năng nguồn, nhân lực trình độ cao vào mục tiêu phát triển, tạo sức đột phá cho mình. Tuy thành phố đã có chủ trương, quan tâm đặt hàng các viện nghiên cứu, trường ĐH, các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia các đề án, chương trình đột phá và giải quyết những vấn đề bức xúc về quản lý, quy hoạch đô thị, nhưng điểm lại có thể thấy rằng hiệu ứng và hiệu quả chưa tương xứng.
Chính vì thế, sự quyết tâm khai thông nguồn chất xám ở TPHCM của đồng chí Chủ tịch UBND TP sẽ truyền thêm “lửa” cho các chuyên gia, các nhà khoa học để họ tiếp tục đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho sự nghiệp phát triển chung. Vấn đề đặt ra ở đây là TPHCM phải có các giải pháp mang tính đột phá, nhất là chính sách đãi ngộ tương xứng để huy động nguồn chất xám quý báu đó một cách lâu dài, bền vững.
Không chỉ tận dụng nguồn lực trí thức tại chỗ, TPHCM cần có chính sách thông thoáng hơn trong việc thu hút người tài là du học sinh, Việt kiều, các chuyên gia nước ngoài đến thành phố làm việc và cống hiến ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Vấn đề này không mới và nhiều năm qua thành phố đã có chủ trương thí điểm, mới đây nhất là chính sách ưu đãi thu hút nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Bốn đơn vị đầu tiên áp dụng cơ chế mới này là Khu Công nghệ cao TPHCM, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, Viện Khoa học - Công nghệ tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Với nhiều ưu đãi về lương, phụ cấp khá cao (150 triệu đồng/tháng), chương trình này hứa hẹn tạo cầu nối thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước đến thành phố làm việc. Theo Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM, từ đầu năm đến nay, TPHCM thu hút được 15 chuyên gia khoa học công nghệ là Việt kiều và chuyên gia nước ngoài. Con số này đã vượt kế hoạch đặt ra của cả năm 2016 với mục tiêu khiêm tốn: thu hút thêm 11 chuyên gia. Trong khi đó, năm 2015, TPHCM dành ra khoản kinh phí hơn 8,7 tỷ đồng, dự kiến thu hút 27 chuyên gia, nhưng kết quả chỉ thu hút được 12 người: tham gia vào các dự án tại Khu Công nghệ cao (4 người), Trung tâm Công nghệ sinh học (2 người), Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (6 người).
Khi đã bước vào ngôi nhà chung ASEAN và khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, chúng ta sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về thu hút nhân lực chất lượng cao, với việc chảy máu chất xám, do vậy, thay vì phải tốn ngân sách để đào tạo và chưa chắc đạt hiệu quả sử dụng cao, TPHCM cần có chính sách linh hoạt, thông thoáng hơn, đặc biệt hơn về cả tinh thần lẫn vật chất trong việc sử dụng, thu hút nguồn chất xám từ trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho họ “trổ tài, phô diễn năng lực, sức sáng tạo”.
KHÁNH BÌNH