Khai thông nguồn vốn phát triển kinh tế

LTS: Trao đổi với ĐTTC nhân dịp đầu xuân Canh Dần, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng nền kinh tế Việt Nam có nhiều thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, cần sự can thiệp mạnh tay của Chính phủ.

LTS: Trao đổi với ĐTTC nhân dịp đầu xuân Canh Dần, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng nền kinh tế Việt Nam có nhiều thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, cần sự can thiệp mạnh tay của Chính phủ.

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: - Nước ta trải qua 2 năm vật lộn với khó khăn trong việc chống lạm phát cao (năm 2008) và ngăn chặn suy giảm kinh tế (năm 2009). Quá trình này đã cho ta nhiều bài học kinh nghiệm và phần nào đánh giá được khả năng ứng phó, điều hành của Chính phủ và sự “xung trận” của các ban ngành trong việc triển khai chính sách. Tuy nhiên, theo tôi năm nay nước ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thử thách hơn bởi những dấu hiệu về bất ổn kinh tế vĩ mô xuất hiện ngày càng rõ rệt hơn. Cụ thể, bội chi ngân sách ở mức rất cao, chiếm đến 7% GDP (mức bình thường 3% GDP là tối đa). Thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai khoảng 8-9% GDP, kéo dài trong 3 năm liền (2007-2009).

Còn nhớ giai đoạn 1995-1996 Thái Lan thâm hụt cán cân vãng lai trên 5%, đến năm 1997 đã bị khủng hoảng. Vì vậy, cần phải xử lý gấp rút về việc thâm hụt cán cân vãng lai ở nước ta. Ngoài ra, lạm phát đang đe dọa nền kinh tế. Niềm tin đồng bản tệ bị giảm sút do phải điều chỉnh tỷ giá liên tục và ở mức độ cao. Đây là điều bất lợi trong điều hành nền kinh tế. Do đó, năm 2010 và 2 năm tiếp theo 2011-2012, Chính phủ chọn mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc và giữ nhịp tăng trưởng hợp lý. Theo tôi, không nên chạy theo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao để mất ổn định kinh tế vĩ mô mà nên ở mức 6% là vừa.

- Vậy để ổn định kinh tế vĩ mô, theo ông cần giải quyết những bài toán chủ chốt nào?

- Trước tiên phải kiểm soát được bội chi ngân sách, đưa về dưới 5%. Theo đó, phải giảm đầu tư công và khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư và đẩy mạnh hơn nữa cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để thu về tài sản cho Nhà nước và giảm các khoản chi nuôi dưỡng bộ máy không hiệu quả.

Muốn giải quyết bài toán cán cân thanh toán vãng lai cần giải quyết bài toán nhập siêu. Bộ Công Thương đã đưa ra các giải pháp, việc cần làm là đôn đốc triển khai, dùng hàng rào phi thuế quan để kiềm chế việc nhập khẩu những mặt hàng không khuyến khích. Đặc biệt, chính sách tiền tệ phải giải quyết linh hoạt, hài hòa giữa cơ chế lãi suất và cơ chế tỷ giá, điều hành theo tín hiệu thị trường nhưng tránh giải pháp sốc gây tâm lý bất an và tạo xu hướng đầu cơ trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trong thời gian tới không nên điều chỉnh tỷ giá thường xuyên, vì như vậy sẽ làm mất niềm tin vào đồng bản tệ, rất nguy hại đến việc điều hành vĩ mô và tạo ra tâm lý đầu cơ vàng và ngoại tệ.

Một trong những yếu tố tác động đến tỷ giá là giá vàng. Nếu không giải quyết bài toán về vàng và nhập lậu vàng thì dấu hiệu đầu cơ USD tiền mặt sẽ xuất hiện trở lại, sẽ tạo ra khoảng cách về giá giữa 2 thị trường. Vì vậy, theo tôi, bên cạnh đẩy mạnh kết hối ngoại tệ của các tập đoàn, tổng công ty, cần tiến tới một mức nào đó về kết hối nguồn ngoại tệ từ kiều hối của người dân. Điều này là hợp lý bởi lẽ trên thế giới phần lớn các nước đều sử dụng đồng bản tệ trong sinh hoạt, chi tiêu. Nguồn ngoại tệ này sẽ dùng để giải quyết nhu cầu hợp lý như bán cho người dân có con em học tập, chữa bệnh ở nước ngoài… Ngoài ra, với số ngoại tệ đó NHNN có thể mở rộng cấp quota nhập vàng giúp giá vàng thế giới và giá vàng trong nước liên thông, triệt tiêu tình trạng gom USD trên thị trường để nhập lậu vàng, kéo sát tỷ giá giữa thị trường tự do và chính thức.

Theo tôi, không nên quá lo lắng giải pháp này có thể ảnh hưởng đến dòng chảy kiều hối qua kênh ngân hàng. Bởi thực sự kiều bào vẫn phải gửi tiền về người thân, việc gửi lậu dễ bị rủi ro, không an toàn nên kênh ngân hàng vẫn sẽ thu hút kiều hối. Đến khi tỷ giá trong và ngoài ngân hàng chênh lệch không nhiều, việc kết hối hành chính sẽ được thay thế bằng kết hối tự nguyện. Lúc đó ngân hàng không kết hối thì người nhận kiều hối cũng sẽ bán cho ngân hàng.

- Hiện nay NHNN đang cấp quota nhập khẩu vàng không hạn chế cho Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) để can thiệp thị trường. Theo ông biện pháp này có hiệu quả?

- Vấn đề cản ngại là khả năng sản xuất vàng và khả năng dập vàng miếng của SJC cũng giới hạn. Vì vậy, cần mở rộng đối tượng được nhập vàng, cả các doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng. Muốn vậy phải có lượng ngoại tệ kết hối. Ngoài ra, bài toán về trái phiếu vàng của Chính phủ cũng cần xem xét. Bởi lẽ hiện nay các NHTM tồn kho vàng huy động rất nhiều, NHTM vừa tốn kém chi phí bảo vệ vừa không lưu thông được lượng vàng đó ra thị trường. Vì vậy, có thể xem xét đến giải pháp NHNN đứng ra là cơ quan phát hành trái phiếu để huy động vàng, can thiệp bình ổn thị trường vàng.

- Có thông tin NHNN sẽ ban hành quy định hướng dẫn về lãi suất cho vay thỏa thuận trung, dài hạn và cho phép thu phí trong cho vay ngắn hạn. Liệu cơ chế này có giúp khai thông được dòng vốn ngân hàng?

- Theo tôi, cơ chế trần lãi suất mới nên thực hiện theo hướng tiến tới cơ chế lãi suất thỏa thuận và thực hiện từng bước. Bước đầu, cần có trần lãi suất tiền gửi do NHNN quy định (hiện trần lãi suất tiền gửi 10,5%/năm do Hiệp hội Ngân hàng quy định) và điều hành linh hoạt theo tín hiệu chỉ số CPI. Hiện nay mức trần lãi suất tiền gửi có thể chấp nhận được là 12%/năm. NHNN sẽ sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ như nghiệp vụ thị trường mở, công cụ chiết khấu, tái chiết khấu, dự trữ bắt buộc để điều tiết cung tiền. Nếu thấy lãi suất huy động của các ngân hàng đụng trần lãi suất tiền gửi, NHNN sẽ sử dụng các công cụ trên thị trường mở để hạ lãi suất huy động xuống. Riêng đầu ra, nếu quy định thêm phí và lệ phí cho vay, việc quy định mức phí cũng như đối tượng thu phí cần phải cân nhắc cẩn trọng. Dĩ nhiên các NHTM sẽ cạnh tranh giảm lãi suất cho vay, vì nếu cho vay lãi suất cao quá thì không ai vay. Điều này gián tiếp buộc các NHTM giảm lãi suất huy động để giảm chi phí đầu ra. Như vậy, NHNN có thể thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận ngay mà không cần điều chỉnh luật dân sự.

Về lãi suất cơ bản, theo tôi chỉ nên xem là chỉ số định hướng, được thông tin trên thị trường vào cuối ngày hoặc cuối tuần bằng cách dùng lãi suất cho vay bình quân của các NHTM lớn. Thí dụ, các NHTM lớn đang cho vay khoảng 14-15%/năm thì công bố 15%/năm là lãi suất cơ bản của Việt Nam. Luật dân sự sẽ căn cứ vào lãi suất này nhân với 1,5 lần để xử với các trường hợp cho vay nặng lãi.

Bản thân NHTM không theo lãi suất này mà theo trần lãi suất huy động và cho vay theo cơ chế lãi suất thỏa thuận. Thực tế, các NHTM chỉ cần huy động 12%/năm cho vay 15%/năm là có lời. Còn hiện nay sở dĩ các NHTM không cho vay được vì đã huy động lãi suất cộng khuyến mại gần 12%/năm mà trần cho vay cũng quy định chỉ 12%/năm, nên họ phải lách bằng việc thu phí.

Theo tôi, NHNN hoàn toàn đủ khả năng thực hiện cơ chế lãi suất này vì số lượng chứng từ có giá trên thị trường đã lên đến 140.000 tỷ đồng, NHNN có thể can thiệp nhanh, tác động trực tiếp vào lượng tiền lưu thông trên thị trường. Hơn nữa, áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận sẽ góp phần kiềm chế lạm phát do trần lãi suất huy động được điều hành theo tín hiệu biến động chỉ số CPI, người dân sẽ tính toán gửi tiền vào ngân hàng với mức lãi suất hợp lý, có lợi. Các doanh nghiệp cũng dễ dàng vay vốn hơn để đầu tư kinh doanh, sẽ tạo ra nhiều của cải xã hội, tăng cung hàng góp phần bình ổn giá cả.

- Xin cảm ơn ông

Nhà nước cần dồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chính cơ sở hạ tầng sẽ tạo đòn bẩy phát triển kinh tế, cần giải quyết dứt điểm các công trình xây dựng dở dang, làm thông thoáng đường sá để mang lại niềm tin đối với giới đầu tư, người dân. Đã đến lúc cần mạnh tay đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cố gắng phấn đấu năm nay giảm thiểu 30% và tiến tới giảm 50-60% nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế dân doanh chung sức đầu tư, phát triển.

SGGP-ĐTTC

Tin cùng chuyên mục