Khẳng định quyền của chính mình

Ngày 15-3 là ngày Quốc tế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người ta tổ chức hội thảo, và cùng kiến nghị nhiều vấn đề bức xúc đến việc xâm hại sức khỏe, gây thiệt hại vật chất, ảnh hưởng đời sống người tiêu dùng. Tựu chung, không ít người, vì lợi nhuận, đã khiến xã hội phải trả giá trên nhiều mức độ khác nhau về chính hành vi trục lợi của mình, cần phải lên án và loại trừ.

Trước vấn nạn hàng gian hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng đang gây tác hại lớn đến người tiêu dùng, từ năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng nhằm thể hiện quyền lực của Nhà nước trong việc chống lại các hành vi xâm hại đến sức khỏe, gây thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng. Với Luật Bảo vệ người tiêu dùng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, và nhiều vấn đề khác có liên quan đến đời sống xã hội, đặc biệt là người tiêu dùng được Nhà nước, các tổ chức xã hội bảo vệ.

Cũng cần nhắc lại, trong năm qua, lực lượng quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra chuyên ngành và liên ngành trên 15.000 vụ, trong đó có hơn 10.000 vụ vi phạm, tăng hơn 500 vụ so với năm 2010.

Các đơn vị quản lý thị trường đã xử phạt hành chính hơn 4.000 vụ vi phạm với tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 100 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với năm 2010. Đáng chú ý là các vụ xử phạt quy định về giá như không niêm yết giá, niêm yết giá không đúng quy định, niêm yết giá bằng ngoại tệ tăng mạnh, tăng 96,4% so với năm trước.

Lực lượng quản lý thị trường thành phố đã phát hiện, kiểm tra các vụ vi phạm nhiều nhất là buôn bán, vận chuyển, chứa trữ hàng ngoại nhập, hàng cấm, hàng giả,... Hàng gian lận thương mại qua các cửa khẩu, sân bay ngày càng nhiều, hàng giả hàng nhái thì được nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam. Các thủ đoạn này đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong xử lý. Điều đó cho thấy quản lý thị trường trong thời buổi hiện nay, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vô cùng gian nan.

Tuy nhiên, việc xâm hại vật chất và sức khỏe người tiêu dùng là đáng quan tâm nhất. Thực tế của cuộc sống thường muôn hình vạn trạng mà sự điều chỉnh hành vi (kể cả ý tưởng, cách quảng cáo) sai lệch làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng nhưng điều chỉnh nó thực sự khó khăn, tốn kém và thường người tiêu dùng gánh chịu. Các cơ quan quản lý thị trường, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan giám định chất lượng sản phẩm… bằng nhiều hình thức, nhiều biện pháp xử lý, nhưng tình trạng xâm hại sức khỏe người tiêu dùng, gây thiệt hại vật chất cho người tiêu dùng vẫn thường xuyên diễn ra. Điều đó cho thấy cuộc chiến bảo vệ người tiêu dùng rất gian nan, lâu dài…

Nhà nước, luật pháp, các tổ chức xã hội đều ra sức bảo vệ người tiêu dùng, nhưng không có sự bảo vệ nào hiệu quả hơn người tiêu dùng tự bảo vệ chính mình. Nếu người tiêu dùng có ý thức hơn, quan tâm hơn đến việc chọn mua hàng tại các Trung tâm mua bán của DN lớn, các siêu thị, thì họ đã tự loại được 50% nguy cơ cho thiệt hại của mình, bởi lẽ hàng hóa tại các địa điểm này được DN lựa chọn kỹ, giá cả, thời gian bảo hành… rõ ràng và nếu có chuyện xảy ra, DN có trách nhiệm phải tuân thủ Luật Bảo vệ người tiêu dùng để giải quyết các tranh chấp. Đó là sự lựa chọn tốt nhất mà người tiêu dùng có thể tự lựa chọn một cách dễ dàng nhất, thông minh nhất cho mình. 

TỐ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục