Khẳng định trách nhiệm với cộng đồng bằng thương hiệu xanh

Khẳng định trách nhiệm với cộng đồng bằng thương hiệu xanh

Đó là những gì mà 50 doanh nghiệp xanh đã và đang làm. Bảo vệ môi trường bằng cách đảm bảo toàn bộ chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất phải được xử lý triệt để. Hoặc đóng góp chi phí để hỗ trợ cộng đồng nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ môi trường, cùng cộng đồng xây dựng môi trường sống xanh sạch không chỉ giúp gìn giữ môi trường sống xanh cho thế hệ hiện tại mà quan trọng hơn là nền tảng cho một môi trường sống tốt hơn cho những thế hệ tương lai.

“Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” của công ty Vinamilk là một trong những sáng kiến xanh điển hình. trong hình: đại diện Vinamilk trồng cây xanh tại Quảng Nam.

“Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” của công ty Vinamilk là một trong những sáng kiến xanh điển hình. trong hình: đại diện Vinamilk trồng cây xanh tại Quảng Nam.

50 doanh nghiệp là 50 giải pháp có lợi cho môi trường

50 doanh nghiệp xanh được TPHCM chọn đề cử lần này ngoài việc tuân thủ chung tiêu chí về bảo vệ môi trường như có báo cáo kinh doanh đi đôi với việc bảo vệ môi trường; Có đầu tư hệ thống xử lý chất thải (xử lý nước thải, khí thải, tiếng ồn, chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại nếu có phát sinh trong hoạt động sản xuất); có nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến công nghệ tiên tiến, sử dụng nguyên liệu sản xuất có lợi cho môi trường, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường… thì bản thân doanh nghiệp vẫn có những nét rất riêng. Nét riêng này được thể hiện bằng những hình thức hết sức đa dạng.

Đơn cử như hai Nhà máy Bia Sài Gòn thuộc Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), nước thải sản xuất luôn đảm bảo xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường. Chất thải rắn chuyển giao toàn bộ cho đơn vị có chức năng xử lý. Ngoài ra, để giảm thiểu chất thải phát sinh cũng như giảm chi phí xử lý chất thải cuối nguồn, công ty đã không ngừng nghiên cứu, cải tiến thực hiện phân lọc rác tại nguồn. Cách làm này giúp tăng hiệu quả xử lý cuối nguồn, nhất là nước thải, đảm bảo không để xảy ra trường hợp quá tải cho hệ thống xử lý.

Riêng Nhà máy sữa Trường Thọ lại khác. Ngoài việc đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng xử lý chất thải tại nhà máy, công ty còn tổ chức một chương trình hỗ trợ cải thiện môi trường sống cộng đồng là “Quỹ một triệu cây xanh”. Mục tiêu chương trình nhằm cùng cộng đồng thực hiện tăng cường diện tích mảng xanh cho nước ta. Cách làm này không chỉ đơn thuần tăng diện tích mảng xanh vốn đang bị thu hẹp đáng kể bởi tình trạng chặt phá rừng, mà còn tạo cho cộng đồng ý thức cao trong việc gìn giữ mảng xanh như gìn giữ chính mạng sống của mình và thế hệ tương lai.

Còn với công ty TNHH Quốc tế Unilever thì khác, công ty đã đầu tư khoản kinh phí khổng lồ cho nghiên cứu khoa học. Từ đó, xây dựng và đưa vào ứng dụng giải pháp sản xuất có lợi cho môi trường. Và họ đã thành công khi đưa vào ứng dụng hệ thống gia nhiệt cho nước cung cấp sản xuất bằng năng lượng mặt trời. Hay hơn, họ còn chế tác thành công vỏ trấu thành nhiên liệu đốt thay cho nhiên liệu hóa thạch, giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng hàng năm và quan trọng hơn là giúp giảm đáng kể hàng trăm ngàn tấn CO2 – một loại khí gây tổn hại rất lớn cho môi trường.

Điểm đáng nhấn mạnh nhất trong danh sách doanh nghiệp xanh năm 2012 là chuỗi hệ thống siêu thị Co.opMart. Tuy chỉ là hệ thống thương mại dịch vụ nhưng hệ thống siêu thị rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Đơn vị không những đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu mà còn đầu tư nhiều chương trình xã hội liên quan đến việc kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường bằng những hành động hết sức thiết thực. Đó là ưu tiên tiêu dùng sản phẩm của các doanh nghiệp xanh.

Cần nhân rộng mô hình sáng kiến xanh

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM khẳng định, trong quá trình thẩm định hồ sơ, Hội đồng giải thưởng Doanh nghiệp xanh đã thấy rõ có rất nhiều doanh nghiệp có những sáng kiến xanh mà không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho môi trường. Những trường hợp kể trên là một điển hình. Điều này rất cần nhân rộng trong xã hội. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ đang triển khai Quỹ đổi mới công nghệ sản xuất.

Mục đích của Quỹ này nhằm giúp doanh nghiệp cải thiện công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại hơn, giảm nguyên liệu đầu vào và giảm chất thải đầu ra. Đồng thời tăng hiệu suất sản xuất, từng bước tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước trên thị trường nội địa cũng như vươn xa hơn trên thị trường thế giới. Trong thời gian tới, cùng với việc chọn ra những doanh nghiệp xanh hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với những đơn vị liên quan tổ chức những hoạt động bên lề như tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm ứng dụng công nghệ sản xuất xanh; lợi ích từ việc phát triển xanh; phát triển xu hướng tiêu dùng của tương lai theo hướng thân thiện với môi trường… Thông qua hình thức này, sở mong muốn đưa thông tin sản xuất xanh, sạch đến với nhiều doanh nghiệp hơn. Mặt khác, việc thay đổi công nghệ sẽ được thực hiện hiệu quả hơn nhờ những mô hình sản xuất thực tế này.

Không dừng lại đó, cùng hệ thống thương mại dịch vụ mà điển hình là hệ thống siêu thị Co.op – một trong 500 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới thực hiện chính sách khuyến khích cộng đồng ưu tiên tiêu dùng sản phẩm xanh, sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của doanh nghiệp xanh. Về phía đại diện Sở Công thương TPHCM cũng khẳng định, trong thời gian tới cùng với chủ trương vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì sẽ xen lồng vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng sản phẩm xanh, sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Có thể nói, sự chứng nhận kết hợp với chính sách vận động ưu tiên sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp xanh chắc chắn sẽ tạo hiệu quả kép trong công cuộc hướng đến sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong thời gian tới.

HOÀNG LAM

Tin cùng chuyên mục