Thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Ngày 27-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 – một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp này. Đa số các ý kiến ĐBQH cho rằng, dự thảo sửa đổi đã kế thừa được những giá trị của Hiến pháp hiện hành, sửa đổi được nhiều vấn đề phù hợp với thực tiễn nhưng cũng còn quá nhiều vấn đề cần tranh luận, bàn thảo, thiết kế lại.
Chưa rõ hình hài mô hình chính quyền địa phương
Rất nhiều ý kiến bàn về vấn đề chính quyền địa phương khi cho rằng cả 2 phương án mà dự thảo đưa ra đều chưa ổn. Nếu chọn phương án 1 thì nội dung chưa đầy đủ, quá sơ sài, còn chọn phương án 2 cơ bản giữ nguyên như hiện nay, chưa có sự thay đổi, trong khi đây là vấn đề rất cần trong lần sửa Hiến pháp lần này. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đề nghị tổ chức tổng kết việc thí điểm không có HĐND cấp quận huyện, phường. ĐB Quyết Tâm cũng đề nghị phải hiến định trong Hiến pháp mô hình chính quyền đô thị. “Mô hình chính quyền đô thị phải khác chính quyền nông thôn. Điều này đã nói lâu rồi nhưng không làm được, là do tư duy của chúng ta. Phải hiến định mô hình chính quyền địa phương trong Hiến pháp”, ĐB Quyết Tâm phát biểu. ĐB Trương Thị Ánh (TPHCM) đề xuất, cần có mô hình TP trong TP, phù hợp với mô hình chính quyền đô thị. ĐB Ngô Ngọc Bình (TPHCM) cho rằng gọi tên là chính quyền địa phương là đúng, nhưng UBND nên gọi là Ủy ban hành chính. Mô hình chính quyền đô thị và nông thôn phải khác nhau. Đối với đô thị đề nghị do QH quyết định mô hình, trong đó có TP trực thuộc TP.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng bức xúc cho rằng dự thảo đưa ra 2 phương án về chính quyền địa phương. Nhưng với phương án 1 tuy đổi tên là chính quyền địa phương nhưng không chỉ rõ chính quyền địa phương là ai, rất không đầy đủ, nội dung sơ sài. Vì thế chỉ có thể chọn phương án 2, nhưng phương án 2 thực chất là giữ nguyên như hiện nay. Trong khi đó, cái quan trọng nhất lần này là sửa đổi tổ chức mô hình nền hành chính bắt đầu từ địa phương để cải cách nền hành chính. “Cần phân biệt chính quyền đô thị và chính quyền địa phương. Đây là điều mà Đại hội X của Đảng chỉ ra, nhưng 7 năm rồi không thực thi được. Hiến pháp sửa lần này phải quy định rõ về chính quyền địa phương. Phải nói rõ chính quyền địa phương là ai, nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm phải được hiến định, phải nói rõ tính chất HĐND... trong chương về chính quyền địa phương”, ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Thống nhất giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Tại các tổ thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể về nhiều nội dung trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Thảo luận về Điều 1, đa số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam. Các ý kiến phân tích: Tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7-1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Việc giữ nguyên tên nước là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội.
Thể hiện sự nhất trí với giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) nêu rõ: tên nước là CHXHCN Việt Nam hoặc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ. Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước CHXHCN Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên CNXH, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Đánh giá cao việc ghi nhận các quyền con người
Thảo luận chương 2, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhiều ý kiến đánh giá cao việc ghi nhận các quyền con người trong dự thảo đã bao quát hầu hết các quyền cơ bản về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Một số ý kiến đánh giá dự thảo tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Dự thảo cũng đã bổ sung một số quyền mới.
Về đề nghị xem lại cách quy định về quyền con người và quyền công dân, tách riêng quyền con người, quyền công dân thành các mục khác nhau trong dự thảo Hiến pháp, một số ý kiến tán thành với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng quyền con người, quyền công dân có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó, nên dự thảo không tách bạch thành các mục riêng về quyền con người và quyền công dân, mà quy định theo kết cấu của các Công ước quốc tế về quyền con người.
Giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng
Về Điều 4, nhiều đại biểu đồng tình thiết kế như dự thảo. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng không cần phải thêm bớt, chỉnh sửa gì về Điều 4 bởi vì, quy định về Đảng trong bản Hiến pháp khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cũng cho rằng, từ khi có Đảng đến nay, Đảng luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Dự thảo ghi: “Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” là hoàn toàn hợp lý, vì mọi hoạt động của Đảng, nhân dân cần phải được biết và giám sát, đóng góp ý kiến. Có như vậy, Đảng mới nhận được lòng tin bền vững của các tầng lớp nhân dân, qua đó sự tồn tại, phát triển của Đảng mới thật sự lớn mạnh.
Đại biểu Trương Thị Ánh (TPHCM) đồng tình về cách kết cấu 3 khoản trong Điều 4. Đặc biệt đại biểu tán thành với giải trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp về ý kiến đề nghị làm rõ hơn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, cơ chế chịu trách nhiệm của Đảng và cơ chế để nhân dân giám sát Đảng. Theo đại biểu, Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo thông qua Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng và chính sách, chủ trương lớn của mình... Cách thức, nội dung lãnh đạo được thể hiện linh hoạt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, từng thời kỳ. Bên cạnh đó, quy định mọi tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật hiện đã là một bảo đảm quan trọng để nhân dân có điều kiện giám sát, giúp cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Hội đồng Hiến pháp phải thực quyền
Về Hội đồng Hiến pháp, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, nếu hội đồng này chỉ là cơ quan kiểm tra và kiến nghị thì không nên lập, nên giao cho Ủy ban tư pháp làm. ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cũng cho rằng, với mô hình như trong dự thảo thì không có nhiều khác biệt so với hiện nay, do đó không cần thiết phải thành lập thiết chế này. Tuy nhiên, ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) lại cho rằng Hội đồng Hiến pháp là cần thiết trong khi chưa có được Tòa án Hiến pháp. Song ĐB Trần Tiến Dũng cũng như nhiều ý kiến ĐBQH khác cho rằng, nếu lập Hội đồng Hiến pháp phải được xác định rõ thẩm quyền, có trách nhiệm xử lý những hành vi vi hiến. Cần nói rõ hội đồng có quyền đình chỉ, bãi bỏ những văn bản không phù hợp Hiến pháp của Chủ tịch nước, Thủ tướng...
Theo chương trình, trong hai ngày 3 và 4-6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phiên họp quan trọng này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
| |
LÂM NGUYÊN - ANH THƯ