Thừa Thiên-Huế

Khát nước sạch

Khát nước sạch

Mấy năm gần đây, tỷ lệ người dân mắc các bệnh ngoài da, phụ khoa, ung thư… tại xã Điền Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế tăng cao. Người dân thì cho rằng do nguồn nước sinh hoạt ở đây bị ô nhiễm, chính quyền địa phương thì kêu huyện, còn huyện thì kêu lên tỉnh nhưng… chẳng mấy ai quan tâm!

Nước lợ và tanh

Khát nước sạch ảnh 1

Nước giếng xã ở Điền Hải đã qua bể lọc thủ công vẫn cho màu vàng và có mùi tanh

“Từ hồi cha sinh mẹ đẻ, có ngày mô tôi không phải uống nguồn nước vừa lợ, vừa tanh đó đâu!”- cụ Nguyễn Thị Ky, 70 tuổi, thôn Mai Hương, xã Điền Hải rầu rĩ nói.

Cụ Ky cho biết thêm: “Điền Hải là xã vùng đầm phá ven biển nên từ bao đời nay nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn…. Người dân thường đào hoặc khoan giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt, ăn uống thường ngày nhưng khốn nỗi, khoan giếng sâu 2-3m thì nước có màu gạch cua, hôi tanh còn khoan trên 3m thì đụng mạch nước biển không dùng được”.

Cắt lời cụ Ky, ông Phan Chính, Trưởng thôn Ngư Nghiệp đứng cạnh đó xen vào: “Màu nước gạch cua là… “đặc sản” của quê tôi đó chú!”. Rồi để chứng minh, ông Chính dẫn chúng tôi đến một giếng khoan của một gia đình nằm gần trung tâm xã. Đặt chiếc chậu nhôm nhuốm màu vàng quạch xuống sàn giếng, ông múc nước và nói: “Đây này, chú có dám nếm thử không? Thử đi thì biết”. Một thứ nước vừa mặn vừa tanh tanh, đúng như lời bà con phản ánh.

Trả lời câu hỏi: nước ô nhiễm, bệnh tật tăng nhanh, sao bà con không kiến nghị chính quyền, ông Chính ngao ngán nói: “Có chứ, nhưng phản ánh mãi rồi mà… chẳng ăn thua!”. Ông cho biết, một số gia đình trong xã, kinh tế khá giả thì bỏ tiền túi, công sức vượt quãng đường dài 4km đến xã Quảng Ngạn mua nước sạch với giá 3 ngàn đồng/thùng 20lít về dùng. Số còn lại vẫn phải dùng nước ô nhiễm để ăn uống, tắm giặt hằng ngày.

Được biết, cách đây 2 năm, bằng nguồn kinh phí tài trợ của một dự án nước ngoài, xã Quảng Ngạn đã xây dựng được nhà máy nước sạch nhưng công suất thiết kế chỉ đủ dùng cho người dân địa phương nên lượng nước bán cho người dân xã khác không được là bao.

Bệnh tật tăng nhanh

Trải qua nhiều năm sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn phục vụ sinh hoạt, ăn uống hàng ngày, người dân nơi đây đang phải đối mặt với không ít bệnh tật. Ông Cao Huy Bửu, Chủ tịch UBND xã Điền Hải cho biết: “Khoảng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ người dân trong xã bị mắc các bệnh đường ruột, mắt, bệnh phụ khoa, bệnh ngoài da, cả ung thư… tăng rất nhanh.

Riêng bệnh ung thư đã làm chết gần 10 người, ngành chức năng địa phương không đủ khả năng để xác định nguồn gốc gây bệnh. Chính quyền địa phương đã họp tìm phương án và trình UBND huyện xem xét để làm việc với Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên-Huế lắp đặt ống dẫn nước, cung cấp nước sạch cho bà con. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên vấn đề đưa nước sạch về địa phương không thể thực hiện trong một sớm một chiều”.

Vậy xã đã có phương án nào để trấn an người dân? Ông Bửu trả lời: “Trước sự hoang mang lo lắng của người dân về tình hình bệnh tật, chính quyền địa phương đã phối hợp với Trạm Y tế xã vận động người dân áp dụng các biện pháp lắng lọc thủ công, để hạn chế nguồn nước ô nhiễm. Về lâu dài thì còn phải đợi cấp trên”!?... 

Xem ra, vấn đề nước sạch để thay thế nguồn nước vừa tanh, vừa lợ cho 6.300 người dân xã Điền Hải đến giờ vẫn là bài toán nan giải.

VŨ VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục