Khát vọng hòa bình và quyết tâm giữ trọn biên cương

Khát vọng hòa bình và quyết tâm giữ trọn biên cương

Kỷ niệm 60 năm ngày ký kết Hiệp định Geneva

Hôm nay 20-7, đúng 60 năm ngày ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (20-7-1954 – 20-7-2014) sau khi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” của Quân đội Nhân dân Việt Nam trước đoàn quân viễn chinh Pháp. Trải qua 60 năm, nhưng những bài học về khát vọng hòa bình và quyết tâm sắt đá bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Hiệp định Geneva vẫn vẹn nguyên giá trị và cảm xúc.

Giá trị bất diệt của tinh thần đại đoàn kết

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký kết Hiệp định Geneva vừa mới được tổ chức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Từ ngàn xưa, Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Trải qua các cuộc chiến tranh giữ nước, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam luôn hiểu rõ giá trị của hòa bình, nhưng hòa bình phải gắn liền máu thịt với độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”.

Đúng như lời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Hiệp định Geneva đã khẳng định một bước tiến quan trọng, nêu bật khát vọng của Việt Nam về một nền hòa bình gắn liền với độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Hiệp định lịch sử này được ký kết vừa có ý nghĩa pháp lý, vừa tạo cơ sở vật chất, tinh thần để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết Hiệp định Geneva.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết Hiệp định Geneva.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Expressen của Thụy Điển vào tháng 11-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng khẳng định, nếu Pháp tiếp tục chiến tranh xâm lược thì Việt Nam sẽ quyết tâm kháng chiến đến cùng, nếu Pháp muốn thương lượng thì Việt Nam sẵn sàng trên cơ sở tôn trọng độc lập thật sự của Việt Nam. Tư tưởng thiết tha vì hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện rõ trong điện văn gửi Liên hiệp quốc năm 1945 khi Người khẳng định: “...Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”. Tư tưởng này của Bác Hồ đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh khi nêu bật ý nghĩa của Hiệp định Geneva.

Trao đổi về ý nghĩa của Hiệp định Geneva được rút ra trong 60 năm qua, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ, các thế hệ người Việt Nam đã tốn biết bao xương máu, nước mắt, mồ hôi, trí tuệ để có được sự toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam hiểu được giá trị của hòa bình, sự toàn vẹn lãnh thổ, sự thiêng liêng của chủ quyền quốc gia. Bài học của Hiệp định Geneva đối với việc ứng xử trong các vấn đề quan hệ quốc tế, đặc biệt là với các nước lớn hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định, cùng với việc giành chiến thắng quyết định trên chiến trường dựa trên nền tảng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sự phối hợp hiệu quả của các mặt trận, Việt Nam trước sau như một kiên trì bảo vệ lợi ích của các lực lượng yêu nước, vì hòa bình của Lào và Campuchia. Ngược lại, các thế lực bên ngoài đã dàn xếp mọi việc của Lào và Campuchia nhằm phục vụ cho lợi ích của nước họ, tách 3 nước trên bán đảo Đông Dương ra khỏi nhau. Đây là bài học vẫn còn nguyên tính thời sự, đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, cùng phát triển hòa bình là quy luật sống còn của 3 dân tộc.

Kiên trì và kiên quyết giữ toàn vẹn lãnh thổ

Ông Trần Việt Phương (87 tuổi), nguyên chuyên viên của đoàn Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Geneva năm 1954, thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ, nhớ lại, khi Hội nghị Geneva kết thúc, Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng đứng lên mặt hướng về Tổ quốc mình, đau đớn nói: “Cuộc chiến đấu của chúng ta mới chỉ được nửa đường. Tổ quốc vẫn bị chia cắt. Chúng tôi đã cố hết sức, hết lòng, phấn đấu mọi cách mà mới mang lại cho đất nước ta có thế này thôi, và chúng ta cần phải tiếp tục để giữ toàn vẹn lãnh thổ”. Không kìm nén được cảm xúc, ông Trần Việt Phương rưng rưng nói: “Xin kính cẩn tưởng nhớ anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ, các bậc lão thành cách mạng tiền bối, các thế hệ người Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ từng tấc đất, tấc trời, tấc biển của mình để không một thế lực nào có thể xâm phạm được”.

Khẳng định giá trị và bài học to lớn của Hiệp định Geneva, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã dẫn câu nói của Bác Hồ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Tại hội nghị Geneva, ta đã có những bước đi mang tích sách lược, nhưng luôn kiên định những quyền dân tộc cơ bản độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Cho tới nay, bài học này vẫn còn nguyên tính thời sự, nhất là khi tình hình quốc tế hiện đang có nhiều biến động hết sức khó lường, xuất hiện những nguy cơ đe dọa tới hòa bình và chủ quyền đất nước.

Từ bài học của Hiệp định Geneva, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: “Lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là bất khả xâm phạm. Các thế hệ ông cha đã hy sinh biết bao xương máu để có được giang sơn như ngày hôm nay. Các thế hệ con cháu chúng ta ngày nay phải bảo vệ bằng được chủ quyền, quyền chủ quyền của đất nước”.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng cho rằng, trong một thế giới đầy những diễn biến phức tạp, vẫn có những nước vi phạm Hiệp định Geneva, các công ước, quy tắc căn bản của luật pháp quốc tế. Trong đó những nước nhỏ thường bị các nước lớn dàn xếp và chi phối vì lợi ích dân tộc của chính nước lớn. Trong bối cảnh đó, vận dụng bài học của Hiệp định Geneva, chúng ta cần nỗ lực tối đa bằng mọi biện pháp duy trì môi trường hòa bình để phát triển, đồng thời với đó, phải kiên quyết bằng mọi biện pháp có thể để bảo vệ cương thổ quốc gia.

Có thể khẳng định, thắng lợi tại Hội nghị Geneva là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí độc lập, khát vọng tự do và yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Khát vọng đó đã được thấm nhuần, chảy trong huyết quản của những người con nước Việt đã trải qua hàng ngàn năm đấu tranh giữ nước và dựng nước.

THÀNH NAM

Tin cùng chuyên mục