Khát vọng

Trong bảng “phong thần” người khổ nhất, giống như danh sách các tỷ phú của Forbes, các chuyên gia kỹ tính nhất đều thống nhất người khổ nhất hành tinh là người làm nghệ thuật và sống bằng nghệ thuật. Chắc chắn không ít người phản đối lập luận này nếu xét bề nổi của các hoạt động trong và ngoài “sàn diễn” khi mà ai cũng diễn, diễn như thật, diễn như không và diễn ra hẳn tiền tươi thóc thật.

Như chuyện một chàng trai trồng ổi bán ổi như Lệ Rơi có giọng ca làm khó các nhạc sĩ cũng vẫn ca tưng bừng trên sóng phát thanh - truyền hình và thoắt đổi đời khi “nông thôn hóa thành thị” với bộ vest cáu kỉnh, với phong thái của một ông chủ mới tham gia giới showbiz. Hay những “mít tờ” này, nữ hoàng kia chỉ cần xuất hiện thôi cũng đã dằn túi cả trăm triệu đồng bằng người ngoài giới làm cật lực cả năm. Họ phải thốt lên thế mà là khổ hả, khổ thế thì ai cũng muốn cả đời được khổ vậy! Song có ai biết đằng sau cái vẻ hào nhoáng, một bước xuống xe, hai bước xuống xe, quần áo là lượt rảo bước trên thảm đỏ là những khổ tâm trĩu nặng ngang bằng tảng đá nghèo khổ đeo bám suốt đời người lao động chân lấm, tay bùn. Và rốt cuộc chàng Lệ Rơi vẫn phải trở về với nghề quen thuộc nhất là trồng ổi.

Một câu chuyện cổ tích không thành hiện thực giữa đời thường. Người ta nói rằng một đại đô thị như thành phố Hồ Chí Minh giống như ngôi nhà chung nghĩa tình dung nạp và nuôi dưỡng đủ hạng người từ khắp các vùng miền, miễn là có chí và có tài. Có tài thì thành ông chủ, kém tài và ít thích nghi hơn thì đi làm thuê, ai cũng sống được, ai cũng được phát huy hết khả năng của mình.

Như thế để thấy vẫn có lằn ranh rõ rệt về đẳng cấp sống và hưởng thụ cuộc sống. Ngôi sao trong giới văn học nghệ thuật chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa phần còn lại vẫn phải bươn chải trong cuộc mưu sinh nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật. Đó là một đấu trường khốc liệt, có người thắng kẻ bại, thắng thì làm vua, còn bại …thì về quê tìm đường trở lại chốn phồn hoa. Như trong lĩnh vực văn chương thơ phú, cả nước mới chỉ có một “ông vua” Nguyễn Nhật Ánh với mỗi tác phẩm là một hiện tượng “bét seo lơ” với cả trăm ngàn bản in được đặt mua trước, số không nhỏ còn lại thì vẫn phải hành nghề khác để nuôi dưỡng giấc mơ ngôn từ. Thật sự mà nói người đời vẫn thương những người làm nghệ thuật bình thường, những người phải mưu sinh vất vả để cuộc đời còn có tiếng cười, niềm vui, để xã hội vẫn trong veo tình người. Một chàng trai đã tốt nghiệp khoa diễn viên Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM đã viết trên “phây” rằng nhà tớ làm lạp xưởng, tớ giao tận nơi, đảm bảo chất lượng giá rẻ! Tối tối anh chàng vẫn đi diễn để theo đuổi cái nghiệp, cái giấc mơ được cháy mình trên sàn diễn vì cuộc đời là sân khấu và sân khấu là cuộc đời. Sau này được biết người diễn viên này đã khóc nức nở khi rớt cuộc thi “bước nhảy hoàn vũ”. Khóc vì thương người cha già thức đến 2 - 3 giờ sáng để khâu giày cho con đi thi. Khóc vì mùa này vắng người mua lạp xưởng. Hình ảnh đọng lại vẫn là một chàng trai cười rạng rỡ trên chiếc xe một bên chất đầy lạp xưởng đi bán, còn bên kia là túi xách đựng bộ đồ để thay ra cho đêm diễn. Có lần một cô giáo - giảng viên nghệ thuật đã thốt lên trong nước mắt: Thương học trò lắm anh ơi! Chúng vẫn diễn không một lời oán trách… Buổi tối cô giáo được học trò trong nhóm kịch cà phê “Đời” mời đi xem vở diễn ở một quán cà phê trong hẻm đối diện với chợ Lê Văn Sỹ. Ở đó chủ quán dành cho một khán phòng khoảng 40 ghế cho hoạt động nghệ thuật, có tối để cho nhóm hát, có tối để diễn kịch… Giá đồ uống tất nhiên cũng thêm thắt chút đỉnh cho có… chất nghệ thuật. Vở diễn có tên “Gánh hát chiều xuân” đầy tính nhân văn đại ý một cô gái đam mê cải lương phải lòng một kép hát. Họ thương nhau nhưng không đến được với nhau. 20 năm sau chàng trai về nghe gánh hát của cô gái năm xưa, nhưng một tai nạn giao thông trên đường đi đã khiến họ xa nhau vĩnh viễn. Đoạn cuối cả nhóm đứng lên ca và nước mắt chảy dài trên má cả diễn viên lẫn khán giả. Quá thật và quá cảm động. Cô giáo có tâm sự rằng chắc em phải viết một bức thư gửi lãnh đạo thành phố chỉ để xin cho học trò một đất diễn lâu dài, không phải chịu phí thuê mặt bằng… “Sân khấu đến với khán giả nhanh hơn điện ảnh. Xây thêm một sân khấu nho nhỏ là đỡ phải xây một nhà tù hoành tráng” - cô vung tay nói giống một vũ đạo vô hình trong cuộc tổng tấn công tội phạm mà thành phố đang quyết liệt tiến hành.

Chúng ta thường nói phải phát triển kinh tế và văn hóa, nghĩa là phát triển ngang bằng cả hai mặt nói trên. Nhưng thực tế nói vậy mà không phải vậy, vẫn có sự lệch pha nghiêng hẳn về chuyện làm kinh tế. Và chưa bao giờ câu hỏi đầu tư thỏa đáng cho văn hóa nghệ thuật lại bức bách như hiện giờ. Mà cũng không phải đòi hỏi to tát cỡ ngàn tỷ. Chỉ cần có một mặt bằng nhỏ - như cô giáo ao ước - để có đất diễn, để sống được với nghề và môi trường xã hội chắc chắn sẽ có sự cải thiện rõ rệt… Chỉ cần làm việc nhỏ trước khi nghĩ đến chuyện lớn hơn.

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục