Vừa qua, một vị trưởng phòng ở cơ quan nọ nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua. Thay vì cả phòng đều vui trước sự kiện “sếp” nhận được danh hiệu đáng quý này, thì đó đây lại có lời ra tiếng vào.
Những câu nói bâng quơ, đặt vấn đề như: Thành tích chung thì không nên vơ vào cho riêng mình; sao không có ý kiến của tập thể khi đề xuất danh hiệu thi đua... cứ ngấm ngầm lan tỏa như luồng gió độc. Điều này cho thấy quy trình xét duyệt thi đua ở cơ quan nọ có vấn đề, chưa đảm bảo tính dân chủ, công khai.
Ai cũng biết để đạt được danh hiệu cao quý này, bản thân người đó phải có bề dày thành tích, có nhiều sáng kiến làm lợi cho cơ quan... Thế nhưng, đối với vị trưởng phòng này thì nói hay hơn làm và cấp dưới không nhìn thấy thành tích nào nổi bật (!?). Lẽ ra danh hiệu tập thể lao động xuất sắc phải thuộc về một phòng khác vì họ đã có nhiều sáng tạo, tiết kiệm vật tư, chi phí làm dự án, làm lợi cho cơ quan rất nhiều. Khi biết rõ, vị trưởng phòng đã nhận thành tích chung thành riêng cả phòng đều cảm thấy buồn, giảm nhiệt huyết làm việc.
Câu chuyện về bệnh thành tích và “chạy” danh hiệu thi đua không chỉ diễn ra ở cơ quan đó. Nhìn lại phong trào thi đua yêu nước ở TPHCM trong thời gian qua, cho thấy đó đây vẫn xảy ra hiện tượng “biến hóa” thành tích chung của tập thể hoặc của cá nhân khác vào thành tích của mình. Chính vì thế, khi danh hiệu thi đua gắn sai người và việc thì ý nghĩa của các phong trào thi đua sẽ giảm sút, thậm chí gây mất niềm tin đối với những người dám nghĩ - dám làm, tạo ra sáng kiến, ý tưởng hay, tăng năng suất lao động. Ngược lại, khi khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng thì sẽ tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua nói chung và khuyến khích, động viên tinh thần đối với nhân tố tích cực.
Chính vì thế, để có thêm nhiều nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến xuất hiện trong những phong trào thi đua yêu nước từ cấp cơ sở đến quận, huyện TP, cần phải chọn lựa đúng đối tượng và vinh danh đúng người, đúng việc.
Thực tế cho thấy, ở mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi lĩnh vực và từng góc khuất trong đời sống xã hội, có rất nhiều tấm gương vượt khó, sáng tạo, luôn sống vì mọi người, vì cộng đồng. Những việc làm đời thường ấy, tuy bình dị nhưng cao cả bởi những người trong cuộc không bao giờ toan tính hay đòi hỏi được vinh danh. Để xã hội noi theo, làm theo những tấm gương thầm lặng của họ, chúng ta phải có trách nhiệm tôn vinh, biểu dương họ. Có như thế phong trào thi đua mới thực sự đi vào cuộc sống và bám rễ từ cơ sở.
HOÀNG ANH