Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích 2.095km², nhưng có đến gần 10 triệu người sinh sống, học tập và công tác. Cùng với lượng người đông đảo, mảnh đất ấy hàng ngày phải gồng trên mình lượng xe cộ khổng lồ: khoảng 5,2 triệu xe gắn máy và hơn 500.000 ô tô có đăng ký tại TPHCM. Đó là chưa kể đến hàng trăm ngàn xe gắn máy và ô tô của các tỉnh hiện diện trong TP vì những lý do khác nhau. Chưa hết, theo thống kê của các cơ quan đăng kiểm, mỗi tháng TPHCM có thêm từ 25.000 – 30.000 xe các loại. Chính vì vậy, TPHCM là địa phương đạt nhiều kỷ lục nhất về dân số, mật độ phương tiện giao thông… Trong khi đó, cơ sở hạ tầng giao thông – dù TP đã cố gắng đầu tư chỉnh trang và xây dựng mới – vẫn không thể đáp ứng sự bùng nổ về phương tiện giao thông nhanh và nhiều đến vậy.
Thực trạng trên gây ra rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là nạn ùn tắc giao thông diễn ra khắp nơi và không chỉ vào giờ cao điểm. Nhiều con đường trước đây vốn thông thoáng, nay bỗng trở nên chật chội, tắc nghẽn. Xung đột tại các giao lộ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ùn tắc giao thông không chỉ theo điểm mà nhanh chóng lan ra thành diện rộng do hiệu ứng đô-mi-nô mỗi khi có sự cố… Ùn tắc giao thông đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân, gây khó khăn cho đời sống, lao động và học tập của hàng triệu người. Đó cũng là một trong những nhân tố kiềm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và khu vực, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào TP đầy tiềm năng này. Ùn tắc giao thông thực sự là một trong những vấn nạn làm đau đầu lãnh đạo TPHCM và các cơ quan chức năng nhiều năm qua.
Tuy nhiên, trong cái khó ló cái khôn. Sau khi triển khai rất nhiều biện pháp hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, các cơ quan quản lý chuyên ngành của TPHCM nhận thấy, nếu phân luồng, phân làn khoa học, hợp lý thì với cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay, vẫn có thể giảm tối đa nạn ùn tắc ở nội ô và các cửa ngõ của TP. Việc thử nghiệm đã được thực hiện ở một số “điểm đen” ùn tắc giao thông và cho kết quả khả quan. Sắp tới, giải pháp này sẽ được áp dụng ở nhiều điểm, nhiều khu vực của TPHCM. Tuy đây không phải là cách làm mới, vì cách đây nhiều năm, khu vực ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình), giao lộ Trần Hưng Đạo B và Nguyễn Tri Phương (quận 5)… đã từng phân luồng, nhưng lần này sẽ được triển khai đại trà trên phạm vi toàn TP hứa hẹn sẽ đạt kết quả khả quan.
Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Trong hoàn cảnh bộn bề, lộn xộn của bức tranh giao thông TPHCM, nếu biết sắp xếp khéo léo, khoa học, vẫn có thể trở nên ngăn nắp, gọn gàng. Đành rằng việc phân luồng, phân làn giao thông có thể làm đoạn đường phải di chuyển của mỗi phương tiện dài hơn trước, song vì sự tiện lợi, tránh những phiền toái do ùn tắc giao thông gây ra, hy vọng mọi người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh quy định về phân luồng, phân làn của các ngành chức năng. Mặt khác, các cơ quan có trách nhiệm (công an, thanh tra giao thông…) cần kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm các sai phạm để mọi người chấp hành đúng luật lệ và quy ước giao thông, dần dần trở thành tiềm thức của xã hội.
PHAN LỘC