Khi ẩm thực Việt lên phim

Khi ẩm thực Việt lên phim
Khi ẩm thực Việt lên phim ảnh 1
Cảnh làm phim Mùi ngò gai

Khi Mùi ngò gai lên sóng của Đài Truyền hình TPHCM, nhiều người nói rằng bộ phim này mở đầu dòng phim Việt về đề tài ẩm thực. Trong phim, nghề làm phở truyền thống được miêu tả kỹ lưỡng, từ việc chế biến nồi nước dùng, làm bánh phở, rồi bày biện tô phở và những gia vị đi kèm… Rõ ràng, nghề nghiệp của nhân vật không phải là cái cớ hoặc là yếu tố thêm thắt làm nền cho nhân vật mà được đi sâu vào khai thác, gắn liền với việc phát triển nội dung và diễn biến câu chuyện phim.

  • Phô bày vẻ đẹp nghệ thuật nấu ăn

Ẩm thực không phải là đề tài xa lạ của điện ảnh thế giới. Nhiều bộ phim xoay quanh đề tài này đã ẵm những giải thưởng danh giá. Năm 2006, Hollywood tiếp tục tung ra nhiều phim “chuyên trị” chuyện ăn uống. Từ chuyện một nhà đầu tư ngân hàng được quyền thừa kế một vườn nho và chuyên tâm nghiên cứu chế biến rượu (A Good Year) đến cuộc đời thăng trầm của một bếp trưởng (Mostly Martha), rồi mặt trái văn hóa thức ăn nhanh ở Mỹ (Fast Food Nation)… Người ta lý giải, một trong những khuynh hướng khiến bùng nổ đợt phim ẩm thực là xu hướng đi ăn tiệm của dân Mỹ. Thức ăn đã trở thành thứ đem lại sự thoải mái, an toàn và thư giãn đối với người Mỹ.

Ở nước ta, từ năm 2000, bộ phim truyện nhựa Hải Nguyệt (Đạo diễn Mỹ Hà, Hãng phim Giải phóng) có thể coi là bộ phim Việt đầu tiên đi sâu về đề tài ẩm thực. Ở đó, tất cả các công đoạn của quy trình chế biến nước mắm thủ công được miêu tả kỹ lưỡng với biết bao nhọc nhằn và cả những thi vị. Xoay quanh câu chuyện của một cô gái sống trong gia đình bốn đời gây dựng và gắn bó với nghề nước mắm, bộ phim chứa đựng những thông điệp nhân văn, đoạt không ít giải thưởng trong nước và có mặt ở nhiều liên hoan phim quốc tế.

Không ai phủ nhận, ẩm thực trở thành một nghệ thuật tinh tế, trong đó có sự kết hợp của hội họa, kiến trúc và đậm tính văn hóa. Mỗi đất nước thường hình thành một đời sống văn hóa ẩm thực riêng đầy quyến rũ. Phim về ẩm thực càng có dịp phô bày những vẻ đẹp của nghệ thuật nấu ăn, cao hơn nữa là việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của cha ông. Với thế mạnh trong việc thể hiện hình ảnh và gắn với các nhân vật có số phận, thế giới ẩm thực trên phim dễ dàng tạo nên sức hút riêng không dễ có được khi đứng độc lập ở ngoài đời.

Các cảnh nấu nướng trở nên hấp dẫn, ở đó đầu bếp trở thành nghệ sĩ với đôi bàn tay vàng và sự nhạy cảm tuyệt vời sáng tạo những món ăn ngon miệng và đẹp mắt. Khán giả vui, buồn, hồi hộp hay thất vọng… khi các nhân vật trổ tài chế biến hay cất công đi tìm và gìn giữ công thức bí truyền của món ăn nào đó… Thành công của bộ phim truyền hình nhiều tập của Hàn Quốc, Nàng Dae Jang-gum, là một ví dụ sống động cho thấy vị trí đặc biệt của dòng phim này.

  • Nhiều phim ẩm thực sắp “ra lò”

Tuy nhiên, khai thác sâu đời sống ẩm thực trong phim nếu không kết hợp khéo léo với nội dung thì dễ trở nên khô cứng và khó nhận được sự đồng cảm của người xem.

Minh Ngọc là người “Việt hóa” 20 tập Nguyệt quán đang trên trường quay, cũng về đề tài này, trên cơ sở tám tập Nhà hàng Ý của Ý. Bộ phim hài tình huống này hứa hẹn hấp dẫn với nhiều màn trình diễn điệu nghệ của đầu bếp Lục Duy - người đàn ông trung niên vì cuộc đời đẩy đưa đã đến với nghệ thuật ẩm thực như một sự tình cờ, rồi sau đó ông phát hiện nhiều điều thú vị ở lĩnh vực này và trở thành đầu bếp số 1. Dựa theo tám bút ký của nhà báo Võ Đắc Danh, Minh Ngọc đang chuyển thành 20 tập phim Đồng cỏ chát.

Chị không quên giới thiệu những món ăn của họ trong hiện tại cũng như trong hồi ức. Chị bật mí: Những người vừa thoát khổ chung tay mở một quán từ thiện miễn phí vào những ngày rằm và mồng một mỗi tháng, để những người còn khổ sẽ có chỗ no bụng tạm thời trong hai ngày đó. Cái quán trong film dựa theo mẫu của quán Vợ thằng Đậu của nghệ sĩ Lê Vũ Cầu mà tôi đã có dịp tới “ăn chùa”. Trong cốt truyện của tôi, tên quán là “Về nhà”.

“Tôi không quan niệm tách hẳn riêng một dòng phim về đề tài ẩm thực. Một dòng phim nào đó dính líu tới văn hóa và cuộc sống nhân sinh làm sao thoát khỏi chuyện hòa quyện vào văn hóa ẩm thực?”, Minh Ngọc nói. Bằng tất cả tình cảm với ẩm thực Việt, từ cả góc nhìn của người con đang sống xa quê hương (chị đang cùng chồng ở Mỹ), chị đem chia sẻ trong những trang kịch bản. Có lẽ chị còn muốn giúp người xem có cái nhìn đúng đắn hơn về chuyện ăn uống. Hy vọng những tập phim này góp phần đánh thức tiềm năng của thực phẩm Việt.

Chi Mai

Tin cùng chuyên mục