Khi bạch tuộc mafia “thức giấc”

Bài 2: “Ngôi nhà thứ hai” của Ndrangheta
Khi bạch tuộc mafia “thức giấc”

Bài 2: “Ngôi nhà thứ hai” của Ndrangheta

Tại Đức, vào năm 2000, có khoảng 160 thành viên Ndrangheta sống thường trú.  Hồi đầu năm nay, một tài liệu mật bị rò rỉ của Cục Cảnh sát hình sự Đức (BKA) nói Ndrangheta “hiện diện đông đảo” tại Đức, đầu tư hàng chục triệu euro vào các khách sạn, nhà hàng, nhà ở và chứng khoán để “rửa tiền”.

Vì người Đức quá “mềm”

Khi bạch tuộc mafia “thức giấc” ảnh 1

Phát hiện kho vũ khí tại Ndrangheta

Năm 1999, Cục điều tra hình sự ở Stuttgart đã điều tra một người ở San Luca đến, bị nghi “rửa tiền” thông qua ngân hàng Sparkasse Ulm. Ông ta khai đang trúng một vụ buôn bán xe con béo bở và chính quyền không thể chứng minh vụ làm ăn ấy có phải là rửa tiền hay không. Ndrangheta có khoảng 30 nhà hàng pizza ở Berlin và chúng chọn  Duisburg làm “hậu cứ” từ 20 năm nay để tỏa hoạt động khắp nước Đức.

Sau Thế chiến 2 đã có làn sóng di dân Calibria đến Đức, làm việc trong vùng kỹ nghệ Ruhr và sau này kéo thêm nhiều lao động Italia xuất khẩu hợp pháp. Theo nhà báo Andreas Ulrich của tờ báo Đức Der Spiegel, tác giả một cuốn sách về Ndrangheta ở Đức, cảnh sát Đức hoàn toàn không để ý nhóm “xuất khẩu lao động” này, nên “cội rễ” mafia đã mọc tại thành phố miền đông Erfurt từ nhiều năm trước. Công tố viên chống mafia của Italia, Salvatore Boemi, nói người Đức “đánh giá thấp” và “đối xử mềm” với Ndrangheta. Ông đề nghị cơ quan pháp lý Đức “phải hành động kiên quyết và nhanh chóng, do tổ chức tội phạm này không chỉ dùng địa bàn Đức làm nơi nghỉ ngơi mà còn để hoạt động”.

Mafia Italia hiện dính líu khoảng 20 cuộc điều tra hình sự tại Đức từ năm 2006 nhưng chưa có bản án nào được tuyên. Một phần là không có nhiều chuyên gia Đức am hiểu cơ cấu mafia: những di dân đáng kính Italia thường là “lớp đàn anh” ở Đức, như Ndrangheta chọn Duisburg làm “ngôi nhà thứ hai”, trong khi “nhánh” Corigliano chọn Muelheim.

Những vụ xét xử mafia ở Đức chỉ là phần nổi của tảng băng. Ví dụ năm 1999, cảnh sát Cologne tịch thu số tài sản trị giá 9 triệu euro của một kiều dân Calabria có biệt danh “Tỷ phú”. Tay này sống trong một biệt thự và lái xe thể thao Ferrari, giàu có nhờ làm ăn phi pháp sau khi “cài cắm” người vào những công ty xây dựng. Cảnh sát Đức cũng chỉ có thể trông cậy vào những cựu thành viên mafia chịu “hợp tác”, như cựu sát thủ Giorgio Basile “Mặt thiên thần” của “gia đình” Carelli chẳng hạn. Trường hợp “Mặt thiên thần” cho thấy cảnh sát hình sự Đức không biết gì nhiều về mafia. Các quan tòa thậm chí chẳng nhớ tên bị cáo và nhân chứng, cũng không màng đi xác minh thông tin ở Italia. Khi một tòa án quận ở Duisburg buộc tội “Mặt thiên thần”, thẩm phán viết hắn “có vẻ là thành viên của một tổ chức tội ác có tên Trangeda”, thay vì viết là Ndrangheta.

Basile bị bắt năm 1997, khai ra chuyện đã tham gia hơn 30 vụ giết người. Hắn được hưởng chương trình bảo vệ nhân chứng của Italia, đổi lại chỉ điểm nhiều “anh em” và hơn 50 tên mafiosi đã phải hầu tòa nhưng cho đến nay đa số “anh em” của hắn ở Đức vẫn “ung dung”. Chỉ có vài ngoại lệ như vụ án đang xét xử tại Wuppertal (Tây Đức). Bị cáo là một tay buôn ma túy có biệt danh “Cò Tony”. “Mặt thiên thần” làm nhân chứng từ một địa điểm bí mật nối với phiên xử, đã mô tả “người anh em” này từng mua ma túy từ hắn và đôi lúc làm tài xế cho mình.

Sẽ có những cuộc trả thù?

Sau vụ thảm sát ở Duisburg và trước vụ bắt giữ ồ ạt cuối tháng 8, cảnh sát Italia lùng sục làng San Luca ở Calabria, khám xét nhiều ngôi nhà nhưng chẳng bắt được ai do toàn là những nhà hoang! Calabria là một tỉnh nghèo dưới chân dãy núi Aspromonte, nhiều đất hoang và Ndrangheta lợi dụng yếu tố này để nhốt những nạn nhân bị bắt cóc tống tiền và sau đó “rửa tiền” thành nhà hàng, nhà kho, bất động sản. Theo ngành tình báo nội địa Italia, làng San Luca là “chiếc nôi” của Ndrangheta, nơi mỗi năm cứ đến tháng 9 thì các “trùm con” của các “nhánh” đổ về để dự lễ tại Đền Đức mẹ De Polsi và cũng để nhận lệnh từ “nôi”. “Bản án tử hình” trong vụ thảm sát ở Duisburg nói trên, phải chăng cũng đã được “tuyên xử” tại nơi này? 

Tuy chưa có vụ trả thù nào nhưng công tố viên chống mafia Nicola Gratteri nói mafia thường nhẫn nại chịu đựng 6 tháng mới ra tay. Những vụ bắn giết rồi sẽ xảy ra tiếp tục, chỉ chấm dứt khi có một “nhánh” nào đó bị “tru di” hoặc có một “thủ lĩnh tuyệt đối” đứng lên. Ông cho rằng những cuộc đấu súng sẽ xảy ra ở nước ngoài, do hoạt động của chúng ở Italia đang bị theo dõi chặt chẽ.

Bộ Nội vụ Italia nói năm nay đã có 228 người của Ndrangheta bị bắt, gồm Salvatore Pelle, một trong 30 đối tượng bị truy nã gắt gao nhất Italia và là “trùm” nhánh  Pelle-Romeo. Ndrangheta là một “đại gia đình” có khoảng 150 “nhánh” và hoạt động rất “hòa bình”. Nhưng theo Aldo Pecora, Trưởng tổ chức Ammazzateci Tutti chống mafia thì có lẽ một “nhánh con” nào đó đang muốn “chơi trội” hoặc Ndrangheta muốn chứng tỏ với các đối thủ, chính quyền và dân Calabria rằng chúng sẵn sàng sử dụng bạo lực để đạt mục đích.

Italia hồi đầu năm cũng cảnh báo chuyện người có giọng nói Calabria “thâm nhập” nền kinh tế Milan. Khi một lãnh đạo tuyên bố không để các công ty xây dựng của người Calabria nhận những hợp đồng công trình công cộng, ông liền nhận thiệp “Chúc mừng lễ Phục sinh” kèm một viên đạn và xe ông bị đốt cháy rụi. Hồi tháng 10-2005, chính khách chống Mafia là Francesco Fortugno ở Calabria bị bắn chết tại một điểm bầu cử. Hồi đầu tháng 8 cũng xảy ra vụ Antonio Giorgi (56 tuổi) bị bắn chết ngoài cửa và cảnh sát Italia cho rằng đó là nạn nhân của gia đình  Pelle-Romeo. Sau vụ mới nhất tại Đức, người ta dự báo sẽ sớm có những cuộc trả thù khác đối với “nhánh” đã có 20 năm “cắm rễ” ở Duisburg này…

Trần Trí (tổng hợp)

Bài liên quan:

- Bài 1: “Xuất khẩu”… bạo lực!

Tin cùng chuyên mục