Cuối tuần này, bóng đá trong nước trở lại với guồng quay của V-League, hạng nhất quốc gia, nhưng dường như nhiều người hâm mộ vẫn mải mê với Euro mà quên mất rằng giải vô địch quốc gia vẫn đang diễn ra.
Đến như Copa America, đấu trường phô diễn tài năng của những ngôi sao như Messi, Suarez, James Rodriguez… còn bị chìm khuất trong bầu không khí cuồng nhiệt của Euro 2016, thì V-League ở xứ ta mờ nhạt và ít người để ý kể ra cũng chẳng lạ. Lúc này đây, người ta đang mải dõi theo trái bóng Beau Jeu đang lăn khắp sân cỏ nước Pháp, khiến hàng triệu trái tim trời Âu và cả thế giới thổn thức, hơi sức đâu mà nghĩ đến V-League.
Kể ra thì cũng buồn vì bỗng dưng giải đấu được xem là số 1 Việt Nam lại trở thành món ăn tinh thần hơi… thừa thãi. Song, qua đó mới nhận thấy những nhà tổ chức bóng đá đã chưa thật khéo léo khi xếp lịch thi đấu của V-League, để trùng với Euro thì khán đài thưa thớt, trống vắng là cái chắc. Chưa kể, Đài truyền hình Việt Nam vì bận với lịch tường thuật, xây dựng chương trình sắc màu Euro nên không thể dành sóng cho V-League, càng khiến giải đấu yên ắng, mất vui.
Trước đây, V-League vẫn thường “né” những sự kiện bóng đá lớn như Euro, World Cup, thậm chí kế hoạch tập trung các đội tuyển quốc gia cũng tạm dừng cả tháng. Nhưng hiện nay, các nhà tổ chức vẫn để V-League đá là điều khá lạ lẫm khiến sức hút từ truyền thông, từ giới cổ động viên giảm đi rõ rệt. Đang thưởng thức thứ bóng đá tấn công hiện đại, phòng thủ khôn ngoan của người Anh, Đức, Italia, Tây Ban Nha… thì không thể “nuốt trôi” những trận cầu vừa chậm, bị cắt vụn bởi tiểu xảo của cầu thủ ở V-League được.
Euro là sự kiện bóng đá lớn của châu Âu, giống như một bài học về công tác tổ chức, cách kiếm tiền và kỹ năng quảng bá văn hóa, ẩm thực của quốc gia đăng cai. Pháp đang làm rất tốt điều đó, ngay cả khi họ vẫn đang vật lộn với những rắc rối từ CĐV quá khích, đình công, lo ngay ngáy nguy cơ khủng bố đến từ các thế lực thù địch hay thiên tai dội xuống…
Vượt lên trên nỗi sợ, nước Pháp coi giải đấu số 1 châu Âu - thậm chí chẳng thua kém World Cup về tầm vóc - như một cú hích nhằm giúp họ hàn gắn những tổn thương đã trải qua vì khủng bố, đánh bom. Đồng thời, nước Pháp cũng muốn nhắn nhủ rằng, trong khó khăn, họ vẫn rất thân thiện, vẫn sẵn sàng đón tiếp bạn bè về tụ hội, không để VCK Euro 2016 phải hủy bỏ vì bất kỳ lý do nào khác. Trên hết, nước Pháp đang chứng minh họ vẫn là điểm đến an toàn ở châu Âu. Và họ đã nhận được sự trợ giúp từ khắp châu Âu, khi mỗi quốc gia tham dự Euro đều đưa đến lực lượng an ninh đông đảo để cùng bảo đảm sự an toàn cho sự kiện quan trọng diễn ra trên nước Pháp.
Tuần đầu tiên của Euro 2016 trôi đi, ngoại trừ hình ảnh xấu xí mà các hooligan Nga và Anh gây ra ở thành phố Marseille, Lens hay Lille, thì mọi thứ vẫn trôi đi khá ổn thỏa. Rõ ràng, Euro đang giúp nước Pháp làm được điều tuyệt diệu là gắn kết con người lại với nhau, xóa đi những khoảng cách văn hóa, rào cản ngôn ngữ vì tình yêu bóng đá. Khu Fanzone dưới chân tháp Eiffel chính là một xã hội châu Âu thu nhỏ trên đất Pháp, như thế để tạo nên một Euro đầy khí chất dũng cảm…
LÊ HÙNG