Lần đầu tiên tại VN, một mạng di động cung cấp bộ hòa mạng dành riêng cho người dân tộc thiểu số với hướng dẫn dịch vụ, cũng như tư vấn, giải trí bằng ngôn ngữ của chính họ.
Trước khi Viettel cung cấp bộ hòa mạng có tên gọi “Buôn làng”, ở Việt Nam chưa có mạng di động nào thiết kế sản phẩm dành riêng cho người dân tộc thiểu số. Dù có tới 12 triệu người nhưng do sinh sống ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, việc cung cấp dịch vụ viễn thông di động cho đồng bảo thiểu số vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tiên, đó là chi phí đầu tư quá lớn mà doanh thu đem lại thì rất thấp. Theo tính toán của các chuyên gia viễn thông, chi phí đầu tư cho một trạm thu phát sóng ở vùng sâu, vùng xa khó khăn – nơi đồng bào thiểu số sinh sống, cao gấp 2-3 lần so với thông thường, còn doanh thu thì lại thấp hơn rất nhiều lần so với suất đầu tư tương tự ở thành phố.
Chưa hết, nếu muốn phổ cập dịch vụ viễn thông tới đại đa số đồng bào thiểu số thì cần phải có tổng đài giải đáp thắc mắc bằng ngôn ngữ của họ - điều mà ít mạng di động nào nghĩ tới. Nguyên nhân là đầu tư ở vùng sâu, vùng xa, hiệu quả đã rất thấp, còn gánh thêm chi phí và khó khăn với tiếng dân tộc thì động lực kinh doanh tại đây sẽ khó có thể tính bằng tiền.
Cũng bởi nhiều lý do như vậy nên ngay cả khi giá cước di động đã giảm xuống rất thấp thì có tới 9 triệu đồng bào dân tộc vẫn chưa được dùng dịch vụ viễn thông di động. Thế nhưng, với việc Viettel cung cấp tổng đài giải đáp bằng tiếng dân tộc, những thay đổi bắt đầu hình thành.
Chia sẻ về việc phát triển dịch vụ viễn thông ở vùng sâu, vùng xa, anh Lê Hồng Quang, Trưởng trung tâm Viettel tại Mường Lát nói, với nhiều người dân tộc, nghe đến “di động” là nghĩ đó là điều gì to tát lắm, nên họ chưa dám dùng. Nhưng khi có tổng đài bằng tiếng dân tộc thì mọi người thấy gần gũi hơn, thấy nó có gì đó gắn bó mật thiết với mình.
Ông Lò Quốc Chừng, người dân tộc Mường, 49 tuổi, sống ở thị trấn Mường Lát, chia sẻ: “Giờ Viettel có tổng đài tiếng Thái, tiếng Dao, tiếng Khơ-me… rồi thì bà con những dân tộc đó dễ nghe, dễ hiểu hơn, hy vọng sắp tới họ có cả tiếng Mường”. Sống ở thị trấn song chú Chừng cho biết, số người dân tại đó chưa biết tiếng Kinh vẫn khá đông, tại những vùng xa, sâu trong núi, tỷ lệ đó còn nhiều hơn nữa.
Trao đổi về việc cung cấp bộ hòa mạng Buôn làng, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Công ty viễn thông Viettel cho biết, Viettel đã tìm đến các nhà nghiên cứu dân tộc học, ngôn ngữ học để xây dựng tổng đài riêng và kho nội dung cho đồng bào dân tộc. Đây là nỗ lực của Viettel nhằm tạo ra được sản phẩm gần gũi, thân thuộc cho bà con với việc xóa rào cản về ngôn ngữ để đồng bào dễ sử dụng và tiếp cận được với thông tin xã hội, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các giá trị văn hóa của dân tộc.
Đại diện của Viettel cho biết, việc cung cấp bộ hòa mạng Buôn làng chưa nhắm tới những mục tiêu kinh tế trước mắt mà thể hiện mối quan tâm của tập đoàn này tới việc phát triển kinh tế xã hội ở các vùng sâu, vùng xa – đặc biệt là của đồng bào dân tộc thiểu số. “Triết lý kinh doanh của chúng tôi là hướng tới cộng đồng và bộ hòa mạng Buôn làng cùng tổng đài giải đáp thắc mắc bằng tiếng dân tộc là một ví dụ cho định hướng đó”, vị lãnh đạo Viettel nói.
Ông Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ nhấn mạnh: “Điều đáng quý của Viettel là đã rất trân trọng ngôn ngữ và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa ra bộ tính năng nhằm gìn giữ và bảo tồn các giá trị này cho mai sau”.
Lệ Thủy