Một doanh nghiệp (DN) tư nhân chuyên về mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ NFT của Australia, do đơn đặt hàng lớn, cần mở rộng liên kết với nông dân hợp tác chuyển giao công nghệ và bao tiêu đầu ra, nên chủ DN đi xin thành lập hợp tác xã (HTX). Tuy nhiên, cầm hồ sơ lên xuống xã, huyện nhiều lần vẫn không xong, may mắn có đoàn khảo sát nông thôn mới từ thành phố xuống, DN cầu cứu, nên được đoàn công tác yêu cầu chuyển hồ sơ lên Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM giải quyết ngay. Điều lạ là theo các quy định đã ban hành, HTX, nhất là HTX nông nghiệp công nghệ cao, là mô hình khuyến khích thành lập, thời gian giải quyết chỉ trong 5 ngày nếu đủ hồ sơ; vậy nhưng người dân phải chờ có đoàn khảo sát TP về mới được giải quyết.
Câu chuyện thứ hai còn khó hiểu hơn. Làm nông nghiệp công nghệ cao, bà con cần đầu tư nhà màng, nhà kính… trên đất nông nghiệp. Nhưng cán bộ địa phương giải thích: do có từ “nhà”, thì nhà theo luật quy định chỉ được cấp phép xây dựng trên đất thổ cư, “nhà” không được cấp phép trên đất nông nghiệp. Một DN - nông dân đầu tư công nghệ cao kêu… trời, vì anh không hiểu tại sao cũng là nhà màng, nhà kính, tại huyện Củ Chi và Hóc Môn vẫn được xây dựng bình thường, nhưng huyện Bình Chánh không cho. Đó là chưa kể còn nhà kho chứa vật tư, nhà sơ chế… phải xây ở đâu nếu không được cấp phép? Thắc mắc này được giải thích là do các địa phương khác hướng dẫn bà con chuyển đổi từ đất ruộng sang đất mục đích khác thì mới được làm. Như vậy, cán bộ địa phương nào hỗ trợ tư vấn tỉ mỉ cách làm thì người dân làm được, còn địa phương lơ là thì DN có vốn, có chính sách khuyến khích cũng không đầu tư công nghệ cao được.
Từ 2 câu chuyện trên, có thể thấy rào cản lớn nhất của DN tư nhân hiện nay là ở các quy định về thủ tục hành chính và từ con người thực hiện các thủ tục đó… Sự thiếu tâm huyết của nhiều cán bộ công quyền đang trói chân DN trước các cơ hội phát triển. Trong 2 năm qua, kinh tế tư nhân luôn được Đảng và Nhà nước đặt lên thành mối quan tâm hàng đầu. Đảng đã ban hành hẳn một nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Chính phủ cũng thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Mọi rào cản đều được Nhà nước quan tâm tháo gỡ từ xóa bỏ hàng chục ngàn giấy phép con, đơn giản thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện cho khối DN tư nhân được tiếp cận nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ…, với hy vọng tạo cú hích cho DN tư nhân ngày càng phát triển lớn mạnh. Loay hoay suốt 1 năm qua với rất nhiều nghị quyết ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân, nhưng đến nay, chúng ta mới chỉ có khoảng 570.000 DN tư nhân, đóng góp khoảng 39% vào GDP. Mục tiêu đến năm 2020, sẽ phát triển 1 triệu DN, và kinh tế tư nhân sẽ đóng góp từ 50% - 60% GDP của nền kinh tế vào năm 2021, liệu có thực hiện được?
Môi trường kinh doanh là vấn đề quan trọng bậc nhất để kinh tế tư nhân phát triển. Ở những quốc gia phát triển, mức đóng góp của khối kinh tế tư nhân phải chiếm 80%. Những quốc gia có lực lượng DN tư nhân mạnh đều có điểm chung là cơ chế, chính sách thuận lợi cho người dân. Vấn đề của Việt Nam năm 2018 đã khác rất nhiều 5 năm trước, khi Chính phủ luôn sẵn sàng phá tan mọi rào cản về chính sách để nhanh chóng thúc đẩy cộng đồng DN tư nhân lớn mạnh. Thế nhưng, mong muốn ấy khi triển khai xuống các cấp thấp hơn, gần dân hơn, lại thường bị hiểu sai, vận dụng sai hoặc rải rác đâu đó thói quen làm khó, cửa quyền vẫn còn trong tâm lý chung của đội ngũ công chức nhà nước. DN tư nhân vốn đã nhỏ bé, tiềm lực không lớn nhưng vẫn than phiền vì phải gánh quá nhiều khoản thuế, phí, nhất là các loại phí không tên…
Trong số hơn 570.000 DN tư nhân đang hoạt động, những tập đoàn, DN tư nhân lớn, có tên tuổi trên thị trường nội địa và nước ngoài… chưa nhiều. Quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DN nhà nước đã đóng góp cho khối kinh tế tư nhân không ít tên tuổi lớn: Vinamilk, Sabeco... bên cạnh các tập đoàn tư nhân Vingroup, Sun Group, Kinh Đô, TH Milk, VietJet Air… Đến 90% DN tư nhân còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ. Nếu chỉ chạy theo số lượng 1 triệu DN tư nhân vào năm 2020 nhưng quy mô nhỏ như hiện nay, e rằng mục tiêu tăng trưởng GDP cũng bị ảnh hưởng và không bền vững.
Giải pháp cho vấn đề này là gì? Theo các chuyên gia, việc đầu tiên là phải xóa bỏ nạn nhũng nhiễu bằng cách đơn giản và trực tuyến hóa thủ tục hành chính. Nếu không có bộ máy hành chính công có năng lực và phục vụ tận tâm, nền kinh tế và các DN không thể phát triển. Rào cản này được tháo gỡ sẽ giải quyết luôn nguyên nhân vì sao nhiều năm nay dù nỗ lực vận động nhưng các hộ cá thể vẫn khăng khăng không muốn chuyển đổi thành DN. Họ sợ thủ tục hành chính nhiêu khê, sợ bị hành khi khai báo thuế, sợ bị tăng thuế, sợ không biết cách quản lý khi lên mô hình DN… Còn nhiều DN nhỏ lại không muốn phấn đấu… lớn, vì DN càng lớn càng hay bị thanh tra, phải đóng đủ thứ phí, các chi phí không tên đều tăng lên…
Về chính sách, chúng ta không hề có sự phân biệt nào giữa các thành phần kinh tế, vậy nhưng, tại từng địa phương, từng bộ ngành, do chạy theo các chỉ tiêu tăng trưởng, đang có tình trạng ưu ái cho DN FDI. Nhiều DN FDI được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, phí, tiếp cận vốn vay, đất đai… dễ dàng hơn rất nhiều so với DN tư nhân. Một môi trường cạnh tranh bất bình đẳng là nguyên nhân khối DN tư nhân đã tồn tại rất lâu và cũng là thành phần kinh tế rất năng động nhưng lại rất chậm phát triển.
Năm 2018 mở đầu với rất nhiều tín hiệu tích cực từ Chính phủ. Tại một hội nghị mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Cần dẹp ngay tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, ngâm hồ sơ hay tình trạng “có 300 lạng việc này mới xong”. Động thái này từ người đứng đầu Chính phủ cho phép chúng ta lạc quan hơn về mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Khi DN có thể tự đi, tự lớn trong một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, lúc đó mục tiêu tận dụng phát huy tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân để xây dựng nội lực lớn mạnh sẽ có lời giải.