Lại thêm một vụ thảm sát làm rúng động dư luận, 4 người trong một gia đình ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái bị giết hại dã man. Khi lẩn trốn, nghi phạm có trang bị dao và súng kíp. Một lần nữa công tác đấu tranh phòng chống tội phạm phải đối mặt với những thách thức của hành vi giết nhiều người một cách manh động và lại man rợ giết cả trẻ con.
Bên cạnh những nguyên nhân xã hội dẫn đến tội ác đã được quan tâm phân tích khá cặn kẽ trong những ngày gần đây, cần phải đặc biệt lưu ý thực trạng lỏng lẻo trong công tác quản lý nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Các phương tiện sát thương này khi vào tay kẻ ác sẽ thật nguy hiểm.
Trong khi cảnh sát ở những nước có cho phép người dân mua vũ khí phòng thân vẫn có thể quản lý việc sử dụng vũ khí rất chặt và hiệu quả, thì ở nước ta lại có một thực tế thật đáng lo ngại: dù bị luật pháp nghiêm cấm nhưng không khó để tìm mua được vũ khí, công cụ hỗ trợ, thậm chí cả vật liệu nổ. Trước hiểm họa này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thực thi từ đầu năm 2012. Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Chính quyền các tỉnh, thành cũng đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Song, đến nay tình hình chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở nước ta vẫn phức tạp, hình thành các đường dây quy mô lớn.
Loạt phóng sự Mua bán “hàng nóng” vừa đăng trên Báo SGGP đã cho thấy không khó tiếp cận các đường dây mua bán vũ khí. Cùng với nguồn vũ khí quân dụng đưa lậu qua biên giới ở Lạng Sơn, Tây Ninh..., còn có những kẻ chuyên sản xuất súng kíp, súng bút, súng bắn đạn ria, hoặc rèn và mua bán kiếm, mã tấu... để cung cấp cho bọn tội phạm. Không chỉ những kẻ thủ ác mới tìm mua vũ khí, ngay cả ngư dân cũng mua được chất nổ để đánh bắt hải sản kiểu tận diệt, những người khai thác đá cũng mua được mìn để phá núi tràn lan, nhiều người dân vùng cao cũng dễ dàng mua bán súng săn tàn sát thú rừng. Thời gian gần đây, đã có những tội phạm tìm kiếm các thông tin trên mạng internet tự chế tạo và sử dụng súng, bom mìn có khả năng sát thương cao để gây án. Tình trạng sơ hở trong quản lý vũ khí quân dụng tại một số cơ quan, đơn vị cũng đã làm một số vũ khí quân dụng đến tay tội phạm. Đã từng xảy ra những vụ trộm súng ở cơ quan công an và cơ quan quân sự địa phương để gây án. Thậm chí có cả một số cán bộ được giao giữ súng ngắn để thi hành nhiệm vụ, đến khi nghỉ hưu đã cố tình không giao lại cho tổ chức, với lý do để làm phương tiện phòng thân. Mặc dù Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nhưng vẫn đang có quá nhiều phương tiện sát thương như vậy nằm ngoài tầm kiểm soát, đó là điều không thể chấp nhận được. Với các “hàng nóng” này, bọn tội phạm ngày càng lộng hành, đã có không ít vụ cả băng nhóm côn đồ 40 - 50 tên hung hăng vác mã tấu dàn trận xử nhau trên đường phố.
Để ngăn tình hình diễn biến phức tạp, Bộ Công an vừa chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả giai đoạn 2 cao điểm tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, thực hiện đợt tổng kiểm tra, rà soát, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các loại vũ khí. Biện pháp chỉ đạo thực hiện tập trung và quyết liệt như vậy là cần thiết để ngăn tội phạm lộng hành. Song việc mở đợt cao điểm chỉ là giải pháp tình thế, vì vẫn khó có thể truy quét, tịch thu, giải quyết được căn cơ vấn nạn bọn tội phạm mua bán, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để gây án. Để bảo vệ an ninh và trật tự an toàn xã hội, ngay chính ngành công an cần phải đặt yêu cầu cao hơn cho chính mình, đó là phải thâm nhập, triệt phá được các đường dây sản xuất, mua bán “hàng nóng”; kiểm soát chặt và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều người dân đã bức xúc đặt câu hỏi: Những tên tội phạm mới định “hành nghề” cũng không khó thâm nhập đường dây mua súng đạn, thuốc nổ, thì sao công an chưa tiếp cận được để triệt phá? Nhiều ý kiến cũng đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt và hiệu quả cho từng thực trạng thiếu sót trong quản lý vũ khí, vật liệu nổ. Không thể giữ an ninh và an toàn xã hội khi chỉ cần vài triệu đồng là kẻ ác có thể mua được súng. Tại TPHCM lâu nay có một số phường làm rất tốt việc vận động tội phạm hoàn lương giao nộp hung khí. Đó là cách làm hay và rất nhân văn, nên tiếp tục nhân rộng. Ngoài việc thường xuyên, liên tục tấn công mạnh mẽ, kiên quyết chống tội phạm, nên đặc biệt quan tâm việc tuyên truyền pháp luật và vận động giao nộp hung khí tại các địa bàn dân cư, đặc biệt là tại các phường có tình hình tội phạm phức tạp.
HUỲNH THANH LUÂN