Khi ngành giáo dục bắt đầu xã hội hóa, các trường cũng phải biết làm vừa lòng khách hàng để mang lại lợi ích. Ở các trường ngoài công lập, trường quốc tế, với số tiền học phí cao chót vót, những cô cậu học trò nhí bỗng trở thành “thượng đế”. Nếu ở trường công lập, học trò phải 1 vâng 2 dạ, nhất mực nghe lời thầy cô, thì tại một số trường ngoài công lập đã xuất hiện mặt trái của quan điểm lấy học trò làm trung tâm.
Cô hiệu phó của một trường THCS ở quận 11 vừa nhận được lời mời thỉnh giảng cho trường quốc tế nằm trên địa bàn quận. Cô vui mừng vì đây là cơ hội tiếp cận môi trường dạy học mới để học hỏi và cải tiến “ao nhà”. Niềm hy vọng cải thiện thu nhập bỗng… tắt ngóm vì kèm theo chế độ đãi ngộ là 1 điều kiện bắt buộc: “Nếu trong quá trình dạy, cô bị học sinh phàn nàn, trường sẽ cắt hợp đồng ngay”. Mỗi lớp học chỉ có 7-8 em nên không thể làm mất lòng em nào… Dù cô là giáo viên có tiếng và nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nhưng vẫn phải tuân theo quy định của trường tư – không đánh mất phụ huynh và học sinh. Sau khi suy nghĩ, cô từ chối: “Làm trong nghề đã mấy mươi năm, mình thương học trò và cũng hiểu nỗi khổ của các trường ngoài công lập khi phải chiều lòng học sinh nhưng đến độ thầy phải “sợ” trò thì thật khó chấp nhận”.
Một cô giáo trẻ vừa đầu quân về Trường THPT tư thục D.T. muốn bật khóc khi học sinh dõng dạc trả lời: Thưa cô, mỗi tháng ba mẹ em đóng mấy triệu đồng vào đây không phải để em giặt khăn lau bảng. Cô giáo trẻ ngậm ngùi kể: “Giáo viên phải chịu đựng mọi thứ để vừa lòng học trò. Đang giờ học, các em muốn đi ra ngoài là tự nhiên đi, ngồi học gác chân lên bàn cũng không phải là chuyện lạ”. Còn nỗi bức xúc “thật vô lý khi học sinh vi phạm thì lỗi đó sẽ được quy về cho giáo viên” của một thầy giáo trẻ tưởng rằng may mắn được dạy ở trường quốc tế tại quận 3… Điều đọng lại trong ánh mắt của những thầy cô giáo ấy là “món nợ” tự trọng nghề nghiệp, cám cảnh cho thân phận người thầy cao quý vốn được xã hội tôn trọng và ngưỡng mộ.
Chúng ta không quơ đũa cả nắm nhưng một hiện tượng lệch chuẩn cũng đáng để lưu tâm, sửa chữa. Trong xu hướng hiện đại hóa nền giáo dục, quan điểm lấy học sinh làm trọng tâm trong dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục là đúng đắn. Tuy nhiên, việc học sinh lạm dụng sự “ưu ái” đó và các trường ngoài công lập vì chạy theo lợi nhuận, đã quên đi việc tôn sư trọng đạo mới là điều đáng nói.
MỸ HẰNG